Thầy giáo Toản, ở khối 3, thị trấn Phù Yên đến với nghề nuôi dúi từ năm 2008.
“Cách đây hơn 10 năm, một lần đi bản vận động học sinh ra lớp, tôi được chủ nhà thết đãi thịt dúi rừng. Mùi vị thịt dúi rừng quả thật rất tuyệt, vừa thơm ngon lại vừa đậm đà. Khi đó tôi nghĩ, nếu cứ bị đánh bắt thế này thì chả mấy mà dúi rừng tuyệt chủng. Lo lắng dúi rừng “biến mất’ trong nay mai, tôi nảy sinh ý định thuần hóa chúng thành vật nuôi để cung cấp ra thị trường” – thầy giáo Toản nhớ lại.
Thầy giáo Nguyễn Văn Toản là người đầu tiên nuôi dúi ở thị trấn Phùi Yên
Nghĩ là làm, thầy giáo Toản quyết định làm thêm nghề tay trái, đó là nuôi dúi. Biết thầy giáo có ý định thuần hóa dúi rừng thành vật nuôi, phụ huynh một học sinh đã “biếu” thầy 6 con dúi rừng non mà mình vừa bắt được. Mua thêm được 13 con dúi non nữa của bà con dân bản, thầy giáo Toản bắt tay vào công cuộc chăm sóc, thuần hóa, nhân rộng đàn dúi.
Nuôi dúi chỉ cho ăn cỏ, tre, nứa... thầy giáo Toản lãi hơn nửa tỷ đồng
“Dúi rừng quen với môi trường sống hoang dã nên khi đưa chúng về nuôi nhốt trong chuồng, tôi gặp không ít khó khăn. Loài vật này rất hung dữ, hay cắn con. Trong tổng số 19 con tôi nuôi lúc ban đầu, chỉ có 10 con đẻ, nhưng cũng chỉ có 2 con “chấp nhận” nuôi con, 8 con còn lại đều cắn chết con ngay sau khi đẻ” – thầy giáo Toản cho hay.
Vì là người đầu tiên ở Phù Yên nuôi dúi nên thầy giáo Toản phải tự mầy mò, nghiên cứu từ cách làm chuồng đến khâu chọn thức ăn cho đàn dúi. Nhiều đêm, thầy giáo Toản thức đến 3 giờ sáng chỉ để theo dõi đàn dúi ăn, ngủ, giao phối... Quyển sổ ghi chép mọi biểu hiện của đàn dúi của thầy giáo Toản đã lên đến cả trăm trang.
Khu nuôi dúi của thầy giáo Toản nằm ở sau nhà, với nhiều ô liên kết làm nơi ở cho dúi
Thời gian đầu, thầy giáo Toản xây ô làm “nhà ở” cho đàn dúi. Sau đó thấy không hợp lí, khó phát triển thành đàn, thầy giáo Toản đã chuyển sang phương án ghép các viên gạch (50x50) lại với nhau để cho dúi ở.
“Để thuần hóa dúi rừng theo như ý muốn của mình là không thể. Vì vậy, qua theo dõi, cứ con nào hung dữ cắn con hay không cho con bú là tôi loại bỏ. Tôi chỉ giữ lại những con đẻ đều, chịu nuôi con để tiếp tục nhân giống. Sau 4 năm thuần hóa, thanh lọc, tôi cũng gây dựng được đàn dúi mẹ sinh sản lên đến 50 con. Bên cạnh đó còn đàn dúi vài trăm con gồm cả dúi hậu bị. Chúng đẻ đều, đẻ mắn và hầu như không còn cắn con nữa. Hàng ngày cho ăn, gần gũi với đàn dúi nên dần dần chúng cũng trở nên hiền hơn” – thầy giáo Toản chia sẻ.
Hiện nay, trong chuồng dúi nhà thầy giáo Toản có 200 con dúi sinh sản, 150 con dúi đực và hơn 200 con dúi hậu bị
Chia sẻ với Dân Việt về kinh nghiệm nuôi dúi, thầy giáo Toản cho biết: Dúi rừng sau khi được thuần hóa thì rất dễ nuôi. Loài vật này có sức đề kháng tốt nên hầu như không mắc bệnh bao giờ. Tuy nhiên cũng cần phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh chuồng mỗi ngày.
“Nuôi dúi quan trọng nhất là khâu chọn giống. Phải chọn những con dúi giống được sinh ra từ những con mẹ tốt, khỏe mạnh, không cắn con. Cho dúi ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng thì chúng mới sinh trưởng, phát triển tốt được. Mấy năm gần đây, tôi luyện cho đàn dúi ăn cỏ voi. Cho dúi ăn cỏ voi rất tốt, nó không chỉ béo khỏe, lông mượt mà còn rất mắn đẻ” – thầy giáo Toản tiết lộ.
Nhiều người nuôi dúi tận trong miền Nam cũng ra học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi của thầy giáo Toản
Cũng theo thầy giáo Toản, người nuôi dúi chủ yếu cho chúng ăn tre, nứa, cây mía, ngô chứ nuôi dúi cho ăn cỏ voi như thầy thì không có nhiều. Để đàn dúi quen với thức ăn là cỏ voi, thầy giáo Toản đã phải tốn không ít công sức huấn luyện. Thời gian đầu bỏ cỏ voi vào chuồng, đàn dúi không chịu ăn. Thế rồi, thầy giáo Toản nghĩ ra cách để cho đàn dúi thật đói, sau đó mới cho ít cỏ voi vào. Giờ thì cỏ voi lại là món “khoái khẩu” của đàn dúi. Ngoài cỏ voi, thầy giáo Toản cho đàn dúi ăn tre, ngô.
Theo thầy giáo Toản, dúi sinh trưởng, phát triển tốt ở nhiệt độ từ 28 - 30 độ C. Thầy giáo Toản đầu tư quạt điện tử khủng để mát tại khu nuôi dúi
“Nuôi dúi mang lại lợi nhuận tốt, vì chi phí đầu tư thức ăn thấp. Cứ mỗi cặp dúi giống tôi bán với giá 1,2 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, một con dúi cái đẻ 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 4 – 5 con. Mỗi năm tôi xuất ra thị trường khoảng 600 cặp dúi giống, thu hơn 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn nửa tỷ đồng” – thầy giáo Toản vui vẻ nói.
Theo: Văn Chiến/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn