Giá cả ổn định nhất, ít dịch nhất, chi phí chăn nuôi thấp nhất khiến cho nhiều người gọi dê là con "ba nhất”…
Anh Nguyễn Hữu Văn ở xã Nghĩa Hương, Quốc Oai, Hà Nội thầu hơn 1ha đất ngoài đồng để đào ao nuôi trồng thủy sản, làm trang trại. Thấy bờ có nhiều cỏ rậm rạp, tiếc của anh nảy sinh ý định chăn dê để tận dụng cỏ thừa, lấy thịt thỉnh thoảng cải thiện sinh hoạt. Nhưng không bằng lòng với giống dê bé nhỏ ở trong vùng anh cất công tìm đến các vùng nuôi dê nổi tiếng như Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bình Phước hay trại dê và thỏ ở Sơn Tây để tìm hiểu. Có quá nhiều chủng loại khác nhau nhưng tựu chung là dê nội và dê ngoại, mỗi thứ đều có ưu và nhược điểm riêng.
Đàn dê lai của anh Văn |
Dê cỏ chậm lớn, kích cỡ nhỏ, bụng to, mỏng thịt (tỷ lệ thịt xẻ chỉ đạt trên 30%) chu kỳ sữa ngắn, lượng sữa ít nhưng lại có ưu điểm thích nghi tốt với điều kiện ngoại cảnh nhất là chống chịu cực tốt với ẩm độ cao của miền Bắc. Dê ngoại có ưu điểm cao to, chóng lớn, lượng sữa nhiều, chu kỳ sữa dài, tỷ lệ thịt đạt trên 40%, trọng lượng lớn nhưng lại có nhược điểm là chịu độ ẩm kém, chịu rét và nóng chỉ ở mức trung bình và giá giống rất đắt.
Chính vì thế, anh Văn nảy ra ý định cho lai dê cỏ và dê ngoại. Nghĩ là làm, anh chọn lọc quần thể những cá thể dê cỏ ưu tú nhất ở các vùng miền được tổng cộng 9 con cái rồi đem lai với 1 con đực giống ngoại Jumnapari để tạo ra con lai F1 với tính trạng khá tốt, lớn nhanh, thịt săn chắc, trọng lượng to hơn hẳn dê cỏ. Từ giống bố dê ngoại trọng lượng 90kg phối với giống dê cỏ mẹ trọng lượng 25 - 30kg đã ra con lai đực đạt 60kg, cái 40kg.
Không bằng lòng với trọng lượng vẫn còn khá khiêm tốn của con lai, anh tìm đến giống dê ngoại Boer để cho chúng phối với con lai của dê Jumnapari và dê cỏ tạo ra giống dê lai ba máu năng suất cao, có nhiều ưu điểm, kiêm dụng cả thịt lẫn sữa. Về thịt, chúng lớn nhanh, trọng lượng trưởng thành lớn, con đực đạt 70kg, cái đạt 45kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 47%. Về sữa, lượng vừa nhiều, thời gian cho sữa lại dài tới 5 - 6 tháng hơn hẳn so với 3 tháng của dê cỏ. Không dừng lại ở đó, hiện anh đang tìm tòi cho lai giữa dê Boer và Bách Thảo, Boer và Saanen để tạo ra những thế hệ lai mới.
Tôi đã có chuyến thực tế đi theo anh Văn để chăn dê ở ngoài đồng. Thức ăn của chúng là thứ cỏ tận dụng mọc hoang rất nhiều ở ven hai bên đường. Dê là giống phàm ăn và ăn tạp. Nhiều cây cỏ trâu bò không ăn được nhưng nó vẫn cứ gặm ngon lành như thường nên chỉ cần 3 tiếng mỗi ngày thả ra ngoài đồng là khi lùa về chuồng không phải cho ăn thêm bất cứ thức ăn nào khác nữa mà chỉ bổ sung thêm nước muối loãng.
Đàn dê đông đúc 100 con nhưng cũng chỉ cần 2 vợ chồng chăn một cách khá nhàn hạ, 1 người chặn đầu, 1 người khóa đuôi để chúng khỏi chạy lung tung là được. Bởi khá sợ nước nên chúng chỉ kiếm ăn ở trên bờ chứ ít khi dám xuống ruộng như trâu bò dù là ruộng đã gặt xong, trơ gốc rạ.
Nhiều người gọi dê là con "ba nhất” |
Dê khá mắn đẻ, cứ 8 tháng/lứa, 2 năm/3 lứa, mỗi lần mang thai khoảng 5 tháng, đẻ trung bình 1 - 2 con, đang nuôi con nhưng dê cái vẫn có thể động dục lại bình thường. Không gì lãi bằng nuôi dê bởi chúng chỉ ăn cỏ như trâu bò nhưng lại có giá bán rất đắt, gấp rưỡi, gấp đôi. Tuy nhiên không phải ai dê nuôi cũng thành công. Cả xã Nghĩa Hương trước đây có 4 hộ chăn dê giờ chỉ còn mỗi 1 nhà là anh Văn bởi do cách lai tạo và kỹ thuật chăm sóc không phù hợp nên nuôi không hiệu quả.
Dê tuy có mùi hôi đối với người nhưng lại là mùi thơm đối với các loại ruồi muỗi nên rất thu hút côn trùng đến hút máu. Vì vậy phải phun thuốc muỗi định kỳ mỗi tuần 1 lần ở khu chuồng trại để ngăn ngừa. Để phòng dê bị bệnh đi ỉa cần tránh chăn ở những nơi vừa phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ xong nếu chăn thả còn nếu nuôi nhốt thì phải tránh sử dụng thức ăn đã ôi thiu.
Khi thay đổi thức ăn một cách đột ngột chúng cũng thường bị chướng hơi, sình bụng lúc đó dùng rượu gừng xoa quanh bụng rồi cho uống 1 - 2 thìa nhỏ sẽ chóng khỏi. Con nào bụng chướng to có thể dùng dây ti ô (dây truyền dịch) luồn sâu từ mồm xuống bụng để cho hơi thoát ra.
+ Dê cũng có thể bị bệnh đau mắt. Bệnh này nghe qua tưởng nhẹ nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bị mù khiến cho dê không tìm được thức ăn và sẽ chết đói. Bệnh đau mắt thường mắc quanh năm nếu điều kiện chuồng trại bẩn thỉu. Chính vì vậy phải phun thuốc sát trùng mỗi tháng 1 lần cho chuồng trại. + Bệnh viêm vú trên dê cái cũng thường phát sinh khi chuồng trại quá bẩn. Khi mắc bệnh, vú dê mẹ sưng đỏ, con non thường không bỏ bú, phải tiêm kháng sinh cho dê mẹ mới nhanh bình phục. Tuy vừa giữ dê lại để tăng đàn vừa xuất bán dê thịt mỗi năm vợ chồng anh Văn thu lãi từ kiểu nuôi tận dụng này được 60 - 70 triệu mà lại nhàn tênh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn