Thời gian qua, nhiều nông sản các nước đã vào Việt Nam và tạo ra cuộc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Năm ngoái, gà Mỹ bán với giá 20.000 đồng/kg đã khiến không chỉ gà lông trắng mà cả gà lông màu Việt Nam điêu đứng. Trong đó gà lông màu vẫn còn giữ được giá do mang bản sắc địa phương và vẫn được sử dụng nhiều trong dịp lễ tết, cưới hỏi, giỗ chạp. Còn gà lông trắng Việt Nam hầu như bị gà Mỹ đẩy khỏi các siêu thị.
Trước thực trạng trên, để ngành chăn nuôi đứng vững và tiếp tục phát triển khi hội nhập TPP, một trong các giải pháp hữu hiệu cả trước mắt và lâu dài là Việt Nam cần phát triển các loại vật nuôi có tính đặc sản và phát huy lợi thế của từng địa phương. Thực tế, giữa năm 2015 khi thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào bán ở nước ta với giá chỉ 20.000 đồng/kg thì hầu hết các trang trại chăn nuôi gà công nghiệp (gà lông trắng) đều gặp nhiều khó khăn, trong khi các trang trại nuôi gà địa phương (gà ri, gà kiến, gà ta) vẫn thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân do chất lượng gà địa phương cao và phù hợp với thị hiếu của nhiều người tiêu dùng nên có lợi thế cạnh tranh riêng so với gà công nghiệp.
Gà đồi Sóc Sơn - một trong những vật nuôi đặc sản làm giàu cho nông dân Ảnh : Vũ Mưa
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một công ty sản xuất chế biến thịt gà nói: “Nếu không đi vào hướng sản xuất các mặt hàng gà đặc sản, với những cách chế biến riêng, khẩu vị riêng, thì rất khó tồn tại. Vì giá thành chăn nuôi của chúng ta vẫn cao và nếu chỉ bán gà đông lạnh thì không thể chiếm lợi thế so với gà ngoại”.
Việt Nam có nền nông nghiệp lúa nước lâu đời và điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngành chăn nuôi phát triển mạnh. Chỉ riêng các giống gà ở Việt Nam đã rất nhiều và hình ảnh con gà trong tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống trở thành “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam. Các loại gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Ác, gà Tiên Viên, gà tre, gà Gò Công… đều có giá trị về dinh dưỡng, ẩm thực, thương hiệu.
Thành công bước đầu của ngành nông nghiệp là phục hưng được giống gà đồi. Trước kia, các viện tập trung vào gà lông trắng, nhưng gà công nghiệp không phải là món khoái khẩu của người Việt và giá bán rất thấp. Nhờ phát triển gà đồi, gà ri, ở Yên Thế, Bắc Giang, đã mở ra hướng đi mới cho gà màu.
Hay như trong cuộc cạnh tranh với bò Úc, nhiều nhà nghiên cứu đang quay về nghiên cứu thịt trâu, bởi vì trước kia việc ít ăn thịt trâu là do sợ ảnh hưởng nhu cầu sức kéo, ngày nay, liệu chừng có thể phát triển trâu thịt để cạnh tranh với thịt bò, do chúng ta phải nhập khẩu bò giống từ nước ngoài và không thể cạnh tranh về con giống.
Chính sự hội nhập đã đánh thức “bản năng gốc” về bản sắc dân tộc trong ngành nông nghiệp, nhất là chăn nuôi.
Một số doanh nghiệp ngành chăn nuôi cho biết hiện việc đầu tư vào ngành chăn nuôi đã được quan tâm hơn trước, nhưng khó khăn về con giống, thức ăn, chế biến vẫn cản trở sự phát triển của ngành. Khi tiến lên quy mô sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cần sản phẩm đồng đều, nguồn cung dồi dào, trong khi đó đa số các trang trại lại có quy mô nhỏ, ít khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp.
Tính cả nước có 17 triệu hộ chăn nuôi, trong đó đó riêng nuôi heo đã hơn 4 triệu hộ, nuôi trâu bò 2,5 triệu hộ. Đây là nguồn lực dồi dào không phải nước nào cũng có. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng khi tham gia vào TPP thì đa số các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam nên khả năng cạnh tranh không lớn, nhưng riêng Mỹ có thế mạnh về thịt heo và thịt gà. Phó Thủ tướng cũng tin rằng: “Chúng ta có những đặc sản nên không sợ sự cạnh tranh như gà đi bộ, bưởi da xanh, vịt trời. Chúng ta có thể thắng trên sân nhà về thịt heo, thịt gà”.
Tuy vậy, cũng có thể thấy rằng dù chúng ta nhiều sản phẩm đặc sản, đặc hữu nhưng cách chăn nuôi, chế biến còn lạc hậu, giá thành cao. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng chia sẻ với truyền thông rằng sở dĩ thịt bò Úc rẻ là do: “Một gia đình ở đây có thể nuôi tới hàng trăm con bò cùng lúc. Mỗi con có thể nặng lên tới cả tấn. Họ không nuôi thủ công mà hoàn toàn bằng tự động hóa, theo một quy trình được lập trình sẵn. Năng suất vật nuôi rất cao, chất lượng thịt tốt, bò sạch trong khi chi phí nuôi lại rẻ”.
Chúng ta có nhiều giống gà, giống lợn, vịt tốt, thừa sức cạnh tranh về thương hiệu, nhưng việc chăn nuôi còn manh mún, thủ công, chi phí nhân công cao, tăng trưởng chậm, giá thành còn cao. Do vậy, để những đặc sản của Việt Nam có thể giành chiến thắng trên sân nhà, ngành chăn nuôi cần có sự phát triển đồng bộ về khoa học kỹ thuật, giống, thức ăn và chế biến, theo hướng hiện đại và bền vững, thay vì xu thế chăn nuôi trang trại tự phát như hiện nay
>> Trong khi các giống vật nuôi ngoại nhập lao đao tìm thị trường và cạnh tranh về giá thì các giống bản địa đang lên ngôi, song để tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao cho nền kinh tế thì nhiều vấn đề về công nghệ giống và thương hiệu cần được quan tâm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn