Những ngày này, dọc theo Quốc lộ 4G từ thành phố Sơn La vào huyện Sông Mã, con đường trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những chiếc xe ôtô tải đủ kích cỡ, nào là xe nhỏ, xe to chứa đầy ắp nhãn ngược xuôi. Trên các triền đồi, những vườn cây trái sai trĩu quả trải dài tít tắp, cảnh nào cành ấy cong như bông lúa chín.
Bên dưới vườn cây trái ấy, không khí lao động của bà con hăng say, nói cười rôm rả vì tấp nập kẻ bán người mua.
Cây nhãn được trồng tại huyện Sông Mã từ những năm 1960. Mới đầu người dân chủ yếu trồng các giống nhãn địa phương, việc chăm sóc đầu tư cho nhãn chưa nhiều, năng suất chất lượng không cao. Hơn nữa thị trường tiêu thụ cũng chủ yếu là tại địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, thu nhập bấp bênh, nhiều nơi bà con đã chặt phá bỏ nhãn.
Hiện nay, cây nhãn ở Sông Mã đã và đang khẳng định là cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Từ trồng nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong…, đến nay cây nhãn đã được trồng nhân rộng 19/19 xã, thị trấn, ở Sông Mã.
Đến nay, toàn huyện Sông Mã có tổng diện tích 6.736 ha nhãn, chủ yếu là giống nhãn chín muộn Hưng Yên (Miền Thiết), sản lượng ước đạt gần 30.000 tấn. Giá bán hiện nay trung bình từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Ước tính, vụ nhãn năm nay huyện Sông Mã sẽ thu về cả nghìn tỉ đồng.
Khác với trước đây, người dân trồng nhãn ở Sông Mã sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên thường gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra. Hiện nay, các hộ đã liên kết sản xuất tập trung, thành lập các Hợp tác xã (HTX) để sản xuất nhãn theo chuỗi, liên kết với các doanh nghiệp, từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhãn, huyện Sông Mã đã chỉ đạo việc tổ chức chăm sóc quả, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ trồng nhãn sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP. Vì thế mà sản phẩm nhãn sản xuất ra bảo đảm an toàn, chất lượng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Theo bà Yến, để vụ nhãn năm nay tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu năm huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm nhãn; giao nhiệm vụ cho các đầu mối thu gom, sơ chế; xác định rõ các địa bàn tiêu thụ. Ngoài tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, sản phẩm nhãn Sông Mã đang được xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Úc…
Để cây nhãn phát triển bền vững, huyện Sông Mã đang tập trung nhân rộng mô hình cắt, ghép, cải tạo diện tích cây nhãn hiện có tại các xã, liên kết sản xuất nhãn tập trung, an toàn. Tiếp tục áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn đến với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Gắn kết giữa người trồng và người mua tạo đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2017, sản phẩm nhãn Sông Mã được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Nhãn Sông Mã”, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp người tiêu dùng cả nước biết đến, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn, đưa nhãn trở thành cây trồng bền vững cho bà con nông dân của huyện Sông Mã.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn