Kinh tế hợp tác đang tạo ra sự chuyển mình về tư duy của nông dân, đem luồng sinh khí mới cho nông nghiệp của tỉnh miền núi này.
Theo Liên minh HTX tỉnh Sơn La, nếu như đầu năm 2016, Sơn La mới chỉ có 192 HTX hoạt động, trong đó số HTX trong lĩnh vực nông nghiệp là 107 thì tính đến tháng 8/2018, số lượng HTX trong lĩnh vực nông lâm thủy sản toàn tỉnh đã tăng lên con số 406, gấp 4 lần so với gần 3 năm trước (trong đó số HTX nông nghiệp chiếm đại đa số với 344 HTX và 62 HTX trong lĩnh vực thủy sản). Trong đó, số HTX trong lĩnh vực nông lâm thủy sản hoạt động có hiệu quả chiếm trung bình khoảng 40%, một con số rất ấn tượng so với mặt bằng chung cả nước.
Thu hoạch nhãn tại HTX Tiến Thành |
Chẳng phải tự nhiên mà thời gian gần đây, Sơn La nổi lên như là một điển hình về tốc độ phát triển HTX cũng như tỉ lệ HTX hoạt động có hiệu quả, được nhiều bộ ngành cũng như Liên minh HTX Việt Nam hết sức quan tâm và đánh giá cao. Nói như ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La, sở dĩ HTX thời gian qua của tỉnh này có được sự bứt phá đáng ngạc nhiên, đó vừa là tính tất yếu có tính thời cơ với sự trỗi dậy của SX mang tính hàng hóa của nhiều nhóm ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt là nhóm ngành hàng cây ăn quả, rau, thủy sản lòng hồ...
Nếu như cách đây 7-8 năm về trước, cây nhãn ở Sơn La còn chưa ai biết tới thì đến nay, toàn tỉnh đã có trên 12.000 ha nhãn SX tập trung hàng hóa; hàng chục nghìn ha cây có múi cùng đa dạng các loại cây ăn quả vụt lên trong giai đoạn ngành hàng rau quả của Việt Nam đang có bước tăng trưởng thần tốc cả về SX và XK...
Đó là tiền đề, cơ hội có tính nền móng. Nhưng điều ấy là chưa đủ để vực dậy phong trào xây dựng HTX sôi động ở tỉnh này nếu như không nói tới hàng loạt các chính sách có tính đòn bẩy của tỉnh Sơn La. Câu nói “cả hệ thống chính trị vào cuộc” được thể hiện rất rõ ở tỉnh này.
Bên cạnh các chính sách chung của Trung ương, từ 2017 đến nay, hàng loạt chính sách riêng của tỉnh Sơn La đã đồng loạt ra đời như: Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La về Chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2021; Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 Phê chuẩn Đề án về Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018 – 2020; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021...
2 năm, với trên 300 HTX về nông lâm thủy sản được thành lập mới, dĩ nhiên bức tranh về HTX ở Sơn La vẫn còn ngổn ngang ở giai đoạn đầu chập chững. Nhưng nhận thức về vai trò của HTX ở các địa phương, tới từng nông dân của tỉnh này đang có những chuyển biến trông thấy.
Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ, Sơn La), xã nằm ở khu vực ngã ba của 3 tỉnh Sơn La – Hòa Bình – Thanh Hóa, giáp biên giới Việt – Lào. Từ trung tâm huyện Vân Hồ ở QL6 vào tới Chiềng Xuân ngót nghét 40km, với những con đèo dựng đứng. Xã có tỉ lệ khá lớn bà con người Kinh từ các tỉnh ĐBSH lên xây dựng kinh tế mới từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Trong khi ở miền xuôi, việc thành lập HTX nông nghiệp nhiều nơi vẫn bế tắc thì rất bất ngờ ở nơi tưởng như “khỉ ho cò gáy” này, vài năm gần đây đã lần lượt có 2 HTX nông nghiệp chuyên trồng cây ăn quả chỉ trong vòng bán kính chỉ 2km ở xã Chiềng Xuân đã được ra đời. HTX nào cũng có trụ sở khang trang, với những hoạt động SX, giao thương nhộn nhịp.
Choạng tối, chúng tôi mới gặp anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Tiến Thành lúc anh cùng hàng chục lao động đang tất bật hái nhãn, đóng thùng để kịp chuyển lên chiếc xe tải cỡ lớn của thương lái từ tận Thanh Hóa lên mua hàng, đã đỗ sẵn ở sát khu đồi ở bản Suối Quang (xã Chiềng Xuân). Anh cho biết, cây nhãn theo chân bà con từ các tỉnh Hà Nam, Hà Tây (cũ)... lên xây dựng kinh tế mới ở Chiềng Xuân từ năm 1977-1978. Đến năm 1994, dự án trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Dự án 327) được triển khai ở đây. Người ta ươm hạt nhãn, đưa lên đồi trồng như trồng rừng. Cây nhãn ở Chiềng Xuân như “nàng công chúa ngủ trong rừng” theo đúng nghĩa đen, cho mãi tới năm 2011, khi phong trào ghép cải tạo nhãn ở Sơn La lan tới Chiềng Xuân.
HTX đang tạo cú hích mới cho phát triển cây ăn quả ở Sơn La |
Anh Nguyễn Văn Tiến chính là một trong những hộ dân đầu tiên ở Chiềng Xuân ghép cải tạo vườn nhãn từ những gốc nhãn cổ thụ trên 30 năm tuổi. Chỉ sau một năm ghép cải tạo, năng suất nhãn đã tăng gấp 2-3 lần, giá bán cao gần 3 lần. Từ 1ha nhãn của gia đình, anh mua thêm 3ha nhãn cổ thụ để ghép cải tạo... Đến nay, tổng diện tích nhãn của gia đình anh đã nâng lên 17ha, trong đó có 4ha nhãn ghép cải tạo, 13ha được anh thuê thầu từ các diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả của bà con trong xã để trồng nhãn. Hiệu quả trông thấy của cây nhãn, cũng như nhiều loại cây ăn quả khác ở nhiều vùng trong tỉnh Sơn La đã lan tỏa tới Chiềng Xuân trong 2-3 năm trở lại đây.
Năm nay, nhãn được mùa to, mặc dù giá chỉ trung bình 10.000 đ/kg, nhưng HTX, hộ dân trồng nhãn và cây ăn quả ở Chiềng Xuân thu bèo cũng 50-60 triệu đồng, nhiều hộ 200-300 triệu đồng. Trên các triền đồi trồng ngô trước đây, giờ đã là một màu xanh bạt ngàn cây ăn quả. Gần đây, cây bí đỏ cũng trở thành tên tuổi mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/ha cho nông dân ở đây. Theo đó, hầu hết các diện tích trồng cây ăn quả trong 2-3 năm đầu chưa khép tán được bà con tận dụng trồng bí. Cây bí đỏ bén duyên với vùng đất Chiềng Xuân đến lạ. Bí lăn lóc khắp triền đồi, nhiều hộ thu 15-20 tấn/ha, được thương lái vào tận nơi đặt mua mới giá bình quân 3.000 – 3.500 đ/kg.
Thương lái thu mua bí đỏ |
Anh Tiến tâm sự: Mấy năm nay, thương hiệu nhãn Sơn La ngày càng có tiếng trên thị trường cả nước, nhưng nói tới nhãn ở Sơn La, người ta chỉ biết nhiều tới Mai Sơn, tới Sông Mã, chứ ở vùng biên hẻo lánh như Chiềng Xuân, ít ai biết đến ở đây cũng có diện tích nhãn rất lớn. Nhãn ở Chiềng Xuân cũng không thua kém về mẫu mã, chất lượng thậm chí còn thơm ngọt hơn nhiều nơi ở Sơn La. Tuy nhiên, bên cạnh giao thông khó khăn, vấn đề thương hiệu, không tên tuổi cũng khiến nhãn ở Chiềng Xuân luôn bị thương lái ép giá thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong tỉnh. Đây là điều thôi thúc anh cùng nhiều hộ dân trồng cây ăn quả trong xã cùng nhau thống nhất thành lập HTX Tiến Thành từ cuối năm 2016. Đến nay, HTX đã có 10 hộ dân tham gia, với tổng diện tích cây ăn quả khoảng 60ha.
Mặc dù vốn góp chưa nhiều để phục vụ được 100% nhu cầu phân bón, vật tư cho các hộ. Tuy nhiên, việc ra đời HTX đã giúp các hộ thuận lợi hơn nhiều trong thu hoạch, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, mỗi hộ thu hoạch một thời điểm nên thương lái ngại vào thu mua, lại bị ép giá. Tuy nhiên nhờ có HTX, việc thu hoạch có kế hoạch, đủ chuyến xe nên giá luôn cao hơn so với các hộ nhỏ lẻ, lại không bị thương lái o ép như trước. Bên cạnh đó, các hộ dân có tiềm lực về kinh tế, có kỹ thuật thâm canh cây ăn quả cũng thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ nhau nên năng suất, chất lượng, kiểm soát sâu bệnh…
“Hiện nay, nhãn của các HTX ở Mai Sơn, Sông Mã đã được đưa vào siêu thị tại Hà Nội, giá bán cao hơn rất nhiều so với các hộ đơn lẻ. Vì vậy, sở dĩ chúng tôi thành lập HTX, là có mục tiêu. Bởi chỉ có HTX mới gắn được với SX theo VietGAP và quảng bá tên tuổi, thương hiệu, mới đưa được vào siêu thị. Đây đang là hướng đi được chúng tôi triển khai để đưa sản phẩm vào kênh siêu thị. Với sự hỗ trợ của các ban ngành tỉnh Sơn La, hiện HTX cũng đã xây dựng thành công và được cấp chứng nhận VietGAP cho 20ha nhãn” – Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết.
Từ hiệu quả của HTX Tiến Thành, đầu năm 2018, ở Chiềng Xuân cũng đã thành lập thêm được một HTX nông nghiệp mới, đó là HTX Cây ăn quả Vân Hồ, với 19 hộ xã viên, hợp tác trồng cây ăn quả với diện tích gần 100ha. Kinh tế hợp tác thực sự đang trở thành luồng gió mới ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn như Chiềng Xuân.
Theo: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn