Xã Đức Vân tập trung đưa vào trồng thử nghiệm cây dẻ từ chục năm trước. Số cây được phân bổ rải rác ở các hộ dân và đã cho thu hoạch ổn định. Trong đó ông Đinh Xuân Dỉn ở thôn Nặm Làng có 40 cây đã cho thu quả từ năm 2016. Hiện mỗi cây cho thu từ 12 – 15kg hạt/vụ, bán 70 ngàn đồng/kg đã đem lại thu nhập hơn 1 triệu đồng/cây, tổng thu gần 50 triệu đồng/vụ.
Anh Nông Văn Cường bên vườn cây dẻ giống.
Ông Dỉn cho biết, do nhận thấy giá trị trồng dẻ cao hơn so với các loại cây trồng khác nên đầu 2018 gia đình đã chủ động trồng thêm 400 cây nữa.
Anh Nông Văn Cường ở thôn Quan Làng, xã Đức Vân thì cho biết, năm 2013 gia đình anh khai thác rừng thông. Cây thông trồng từ 17 – 20 năm mới cho thu hoạch, giá trị cũng không cao. Gia đình quyết định dành toàn bộ diện tích đất đồi rừng khoảng 5ha để trồng 2.000 cây dẻ. Đến nay đã bắt đầu được thu hoạch và đem lại thu nhập đáng kể.
Năm 2017 anh Cường đã mạnh dạn bỏ ruộng lúa 1 vụ, chuyển sang ươm cây dẻ ghép. Hơn 1.300 cây giống đã bán hết với giá 50 ngàn đồng/cây, đạt doanh thu khoảng 70 triệu đồng. Có vốn anh mạnh dạn mở rộng vườn ươm, đến nay đã có hơn 20 ngàn cây giống. Dự kiến đến vụ trồng rừng 2019 sẽ đem lại nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng.
Một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Ngân Sơn cho biết, trước năm 2019 bà con trong huyện đưa cây dẻ vào trồng thử nghiệm với diện tích chỉ khoảng vài ha. Đến thu hoạch thì tiêu thụ rất tốt, tư thương vào tận nhà mua, đem lại thu nhập đáng kể cho bà con. Thời gian hạt dẻ chín kéo dài từ giữa tháng 9 đến tháng 11 dương lịch, thu hoạch rất nhàn, người có sức khỏe yếu, người già làm được dễ dàng. Vì vậy diện tích trồng dẻ tăng nhanh chóng.
Hiện ở Ngân Sơn đang có 2 giống dẻ được trồng là dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) hạt nhỏ, dẹt và cho thu hoạch kéo dài, dẻ Lạng Sơn hạt to, tròn cho thu hoạch sớm. Cả 2 giống đều rất thơm ngon, có vị bùi, giá cao hơn ở nơi khác từ 10.000 – 30.000 đồng/kg.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn