Chị Cuối tự gieo hạt giống rau
Tha phương cầu thực
Ở nơi ấy tất cả các giác quan của một cậu bé nhà quê vốn tưởng như ngủ quên trong tôi sau bao năm bôn ba phố thị chợt thức dậy sống động. Mắt ngập trong một gam màu xanh mướt mát. Tai chìm trong tiếng lích chích của lũ chim sâu, chim sẻ nhảy nhót, chuyền cành. Đôi chân trần sục vào bờ thửa để cảm nhận sự mát, sự mềm của đất. Mũi hít hà no nê những cơn gió đồng nội thơm tho. Miệng nhẩn nha nhai những búp rau tươi non giòn gau gáu vẫn còn đẫm sương đêm.
Chứng kiến cảnh tượng đó, anh Nguyễn Đăng Quý - chị Đặng Thị Cuối - chủ nhân của cánh đồng rau rộng tới mấy hecta ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) chợt cười lành hiền. Hơn ai hết họ thấu hiểu sự khát khao cái sạch của những người dân phố thị giữa thời buổi niềm tin dễ bị đánh cắp này…
Một điều trùng hợp thú vị là anh chị sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm 1971, chơi thân với nhau từ tấm bé cho đến khi nên duyên chồng vợ. Họ là những người nhà quê thứ thiệt, quanh năm đầu tắt mặt tối, sấp ngửa với ruộng đồng rồi lại con cón mang rau ra chợ xã, chợ huyện để bán thế mà cũng không đủ ăn nên năm 2000 chị đành phải dứt áo ra đi làm Osin xứ Đài Loan. Chị đi để lại cho người chồng và hai đứa con nhỏ một món nợ lớn cùng với lời hứa: “Bao giờ kiếm đủ tiền để xây nhà thì em sẽ về”.
Su hào ăn lá
Thoạt đầu chị làm nghề chăm sóc người già nằm liệt giường cho một gia đình buôn bán bận rộn ở thành phố Tân Trúc. Ít lâu sau người đó khuất núi, cái xác được tiêm hóa chất chống thối rồi để đó đợi ngày lành tháng tốt mới chôn theo phong tục.
Gia chủ đi làm hết, ngày ngày một mình chị ở nhà chăm sóc khói hương cho bàn thờ người quá cố không bao giờ nguội lạnh. Đúng 100 ngày ròng rã như thế cuối cùng cái xác cũng được chôn. Cảm động vì tình nghĩa của chị, chủ nhà đã giới thiệu chị đến một gia đình hàng xóm làm nghề trồng rau để tiếp tục lao động.
Được trở về với nghề cũ ở quê, chị vừa sung sướng lại vừa bỡ ngỡ vì nghề trồng rau xứ Đài khác xa với nghề trồng rau xứ Việt. Năng suất cao gấp 2-3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều lần. Nước trồng rau sạch đến nỗi hơn cả nước người uống vì nhà chủ dùng nước máy để ăn nhưng cũng thứ nước ấy phải qua máy lọc mới dám đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau. Trước mỗi mùa vụ đất đai được “khò” qua lửa để diệt sạch mầm bệnh. Phân gà được ủ trên 6 tháng cho chết hết ký sinh trùng rồi mới đem bón. Sâu nếu có được bắt bằng tay là chính chứ không mấy khi phải phun thuốc.
Diện tích của trại cũng chỉ có hơn 1ha nhưng thu nhập mỗi năm cũng đến mấy tỉ tiền Việt. Qua 6 năm học kinh nghiệm ở đây, hết hợp đồng lao động chị về nước rồi trở lại Đài Loan để trồng rau. Lần này cho một hộ lớn hơn trước rất nhiều, với trên 20 ha đủ để cung cấp rau cho toàn bộ hệ thống trường học ở thành phố Tân Trúc.
Chị Cuối đang thu hoạch rau
Ông chủ của chị là người đầu tiên trồng rau sạch ở đây với thâm niên hơn 40 năm bằng những kinh nghiệm học hỏi từ người Nhật. Một ngày ở đó trung bình chị lao động 12-13 tiếng, 2h sáng thức dậy ăn điểm tâm rồi ra đồng nhổ rau đến 6h sáng ăn tiếp rồi rửa rau đến 11h30 mới nghỉ, ngủ đến 2h chiều và làm đến 6h tối. Nhiều khi lắm đơn đặt hàng chị còn phải làm đến 7-8h tối là chuyện thường nên trung bình mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 5-6h.
Lao động ở xứ Đài đã chăm chỉ nhưng ông chủ của họ còn chăm chỉ hơn thế rất nhiều. Họ dậy từ 1h sáng và chỉ chịu lên giường sau 9h tối, trung bình mỗi ngày ngủ khoảng 4-5h. Ngày Tết, ngày lễ, lao động được nghỉ để đi chơi nhưng chủ trại thì không. Sau 8 năm trồng rau ở xứ người, chị dần mê nghề nên mới gửi 2 tấn hàng là các thiết bị tưới, thiết bị nhà lưới, máy đóng bầu, máy gieo hạt về nhà cho chồng. Anh khi ra bưu điện để nhận “hàng viện trợ” không như người ta hồ hởi, phấn khởi mà vừa buồn lại vừa bực vì có bao nhiêu tiền nong tích cóp vợ mình đã quy hết ra đám thiết bị vô cùng lạ lẫm kia. Thất vọng quá anh liền cất chúng vào kho rồi bỏ vào miền Nam để tiếp tục làm thuê.
Làm nông chỉ có người lười mới bị vỡ nợ
“Từ thời thượng cổ đến giờ chưa ai làm nông mà giàu lên được”. Đó là câu nói đầu tiên của anh khi gặp chị lúc về phép. Chẳng biết nói gì hơn chị mới khăng khăng rằng: “Thế thì em sẽ dắt anh đi Đài Loan để xem người ta làm nông như nào”. Nghe đến chuyện đi Đài Loan anh bỗng giãy lên như đỉa phải vôi bởi trước đó đã bị 2 công ty xuất khẩu lao động hứa cho đi mà sau khi ôm 50 triệu thì lặn liền một mạch.
Chị Cuối đang ăn rau ngon lành giữa cánh đồng
Hiểu rõ sự tình, chị vẫn nhỏ nhẻ thuyết phục anh thử đi Đài Loan, không phải để xuất khẩu lao động mà là để du lịch một chuyến xem sao. Nghe bùi tai, anh đi. Chuyến đầu tiên 1 tháng. Chuyến thứ hai 2 tháng anh đã bắt đầu thấy thích xứ Đài. Chuyến thứ ba do có người bảo lãnh nên anh được ở tới 6 tháng để rồi quyết định sẽ lao động ở đây cùng với chị.
Lúc đầu bởi không quen nắng gió khắc nghiệt anh đã 2 lần lẳng lặng gấp quần áo vào vali để tính đường… về nước. Biết chuyện đứa con gái ở quê nhà vội gọi điện sang động viên: “Bố mà về bây giờ thì cả nhà ta sẽ vỡ nợ mất vì số tiền vay ai sẽ trả?”. Thương con, xót vợ anh lại đành tiếp tục nán lại.
Thế rồi tình yêu với ruộng đồng chợt nhen nhóm trong tim anh lúc nào chẳng hay. Trưa nào cũng như trưa nào khi các lao động khác đã nghỉ ngơi hết thì anh lại ra sau nhà lưới nơi có một mảnh đất thừa chỉ rộng chừng 30cm, chạy dài 50m để vùi đầu vào làm thí nghiệm với những hạt giống mới được mua từ một cửa hàng trong vùng. Mùa nào thức ấy anh trồng đủ loại nào dưa lưới, dưa vàng, nào rau, cà, khoai, đậu. Những cây cà có khi thân dài đến gần 10 mét quả sai trĩu trịt, những cây dưa lúc lỉu trái đến nỗi phải đem cho bớt chứ vợ chồng anh ăn không thể xuể.
Súp lơ tí hon
Cuộc sống xứ người của họ lúc này trở nên dễ chịu và hạnh phúc với thu nhập của cả hai mỗi tháng cũng trên dưới 50 triệu. Chủ nhà - một người đàn ông đáng mến từ lâu đã không còn gọi chị Cuối là người làm mà gọi là con xưng bố bởi yêu cái tính chăm chỉ, thật thà.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Mấy năm đang yên ổn, ấm êm như thế chợt một buổi anh Quý sau khi ngồi xem tivi nghe tin từ quê nhà liền nằng nặc đòi vợ cho về. Ngạc nhiên chị hỏi thì anh trả lời đầy tự tin rằng: “Ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phát động làm nông nghiệp công nghệ cao để có nông sản sạch. Giờ tôi đã tốt nghiệp nghề trồng rau rồi, Việt Nam cần tôi nên tôi phải về đây”.
Động viên, thuyết phục thế nào anh cũng nhất định không chịu thay đổi ý kiến nên chị đành tìm lời khuyên từ ông chủ. Ông bảo rằng: “Người ta có thể vài tháng không đổi mốt quần áo nhưng không thể nhịn ăn rau được vài ngày. Hôm nay rau có thể rẻ phải đổ bỏ nhưng không sao ngày mai rau lại đắt. Một năm sẽ có nhiều ngày rau đắt như thế mình phải biết chớp lấy cơ hội. Làm nông nghiệp không vỡ nợ được đâu con ạ, chỉ có người lười mới vỡ nợ, cứ chăm chỉ là thắng lợi thôi”. Nghe vậy chị cũng đành phải khăn gói cùng anh ra về vào năm 2016.
1 sào trồng rau sạch kiểu ngoài trời giản đơn này mỗi năm cho anh chị thu nhập trung bình khoảng 100 triệu trong đó có thể lãi tới 50 triệu.Sau khi dựng một ngôi nhà khang trang cho các con họ liền ôm tiền đi khắp Bắc, Trung, Nam để tìm đất trồng rau sạch nhưng đều vỡ mộng. Nơi được đất thì không tìm được người làm thuê. Nơi được người làm thuê, được cả đất thì lại không có thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Cuối cùng họ chợt nghĩ đến cái vườn bưởi Diễn rộng 1.360m2 ở quê nhà rất thích hợp cho việc trồng rau.
Nghĩ là làm, họ cho chặt, trốc hết gốc những cây bưởi đang thời kỳ thu hoạch đi để rồi tính chuyện dựng lên cái nhà lưới đầu tiên trong đời mình bằng 2 tấn thiết bị mua từ Đài Loan gửi về ngày nào. Lúc này sau 8 năm bỏ quên ở trong nhà kho, hễ đụng tay vào đám thùng carton là chúng liền mủn ra như cám nhưng được cái là thiết bị bên trong vẫn còn sáng bóng, dùng tốt.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn