Ở bản vùng cao Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá ai cũng biết đến ông Vi Văn Hợi , 66 tuổi, dân tộc Thái. Người dân ở đây yêu quý và gọi ông với cái tên trìu mến: “Ông Hợi cột mốc”. Đã bước sang tuổi xế chiều, nhưng cứ 2 tuần một lần, ông miệt mài băng rừng lội suối đi kiểm tra cột mốc biên giới.
Năm 1978, Bộ đội Biên phòng Việt Nam kết hợp với Bộ đội Biên phòng nước bạn tiến hành phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt - Lào. Khi đó cột mốc H3 (nay là cột mốc 331) được cắm trên địa bàn bản Cha Khót, xã Na Mèo để phân định rõ đường biên giới giữa Việt Nam-Lào.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước vận động nhân dân ở các vùng biên giới tham gia phong trào tự quản đường biên, cột mốc, ông Hợi đã đề nghị Đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo giao cho ông quản lý, trông coi cột mốc 331. “Đoạn đường từ đồn biên phòng cách bản Cha Khót hơn 20km và phải băng theo đường rừng hơn 4km nữa mới đến khu vực được cắm mốc biên giới.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Báo Văn hoá
Đường đi tuần tra quanh co, hiểm trở, một bên là suối sâu, một bên là vực thẳm, thậm chí phải mất hơn một ngày đường mới đến được nơi cắm mốc. Tôi thương các chú bộ đội biên phòng đi lại vất vả nên nhận trông coi giúp...” - ông Hợi tâm sự. Đi kiểm tra cột mốc, nếu thấy có điều gì bất thường xảy ra, ông đều báo ngay cho bộ đội biên phòng để có phương án xử lý kịp thời.
Thượng tá Nguyễn Quang Dũng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: “Hiện đồn biên phòng đang quản lý hơn 30km đường biên giới với 13 vị trí, 16 cột mốc.
Ngoài cột mốc 327 nằm ngay tại cửa khẩu do đồn trực tiếp quản lý thì các cột mốc còn lại đều ở vị trí, địa hình khá hiểm trở nên đòi hỏi sự bảo vệ phải nghiêm ngặt hơn. Việc làm của ông Hợi đã giúp đồn chủ động trong công tác tuần tra bảo vệ cột mốc, tuyên truyền tới đồng bào ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.
Lê San
Theo danviet.vn