Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu trong phiên thảo luận về “Đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh” sáng 7.6.
"Một chân trụ" của nền kinh tế
Lao động nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ gần 50% trong tổng số lao động toàn xã hội do đó cần phải đặt "tam nông" lên hàng đầu. |
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Chúng ta cũng hiểu có thể nhận thức được rằng hai chân đó phải vững thì bước đi mới vững chắc.
Hiện nay, nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ổn định, nhất là những lúc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Tuy nhiên trong thời gian qua, chúng ta đạt được sự tăng trưởng đáng kể nhưng người nông dân vẫn chưa được hưởng xứng đáng với sự tăng trưởng kinh tế mặc dù họ đã đóng góp rất quan trọng. Chúng tôi thấy rằng trong đề án chưa đặt vấn đề đúng mức cho nông nghiệp, đề nghị đề án Chính phủ quan tâm đến vấn đề nông nghiệp. Trong này chúng tôi mới thấy việc đặt vấn đề cho nông nghiệp trong đề án cũng chưa được tương xứng, ông Tám cho hay.
Theo đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), giai đoạn đầu từ nay đến năm 2015 việc tăng đầu tư cho nông nghiệp là giải pháp quan trọng thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, là tiền đề bảo đảm chuyển đổi thành mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững.
Trong hơn 20 năm qua nông nghiệp đã giúp cho nền kinh tế nước nhà ba lần thoát khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp rất thấp và ngày càng giảm dần. Năm 2000 tỷ lệ là 12%; năm 2010 tỷ lệ đầu tư nông nghiệp là 8%. Đối chiếu với đề án trong giai đoạn đầu để giảm đóng góp từ nông nghiệp từ 20% xuống 15%, tôi nghĩ đây là một điều chủ quan duy ý chí mà Ban soạn thảo đưa ra. Những năm gần đây nguồn thu nhập và đời sống của người nông dân được cải thiện, song cơ bản vẫn là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội. Phần lớn nông dân nước ta chưa có tích lũy để có một nguồn tài chính tương đối khá, để tự đầu tư cho phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước sau 25 năm đổi mới tuy có phát triển nhanh nhưng phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế và điều quan trọng là do cơ sở hạ tầng của nông thôn chưa đồng bộ và lạc hậu.
Ông Hoàng đề nghị cần tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, tối thiểu đạt từ 14% đến 16%, bởi vì năm 2000 chúng ta đầu tư cho nông nghiệp 12%. Tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước để sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, có năng suất, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Thứ hai, trong đầu tư cho nông nghiệp cần quan tâm đặc biệt đến đầu tư hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành sản xuất này, nhất là cho hệ thống giao thông, cho công trình thủy lợi, cho cơ giới hoá các khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo quản và chế biến. Tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp đi nhanh vào sản xuất lớn và hiện đại. Thứ ba, đầu tư thoả đáng cho khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo ra các loại giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, năng suất tốt để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thứ tư, vì lao động nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ gần 50% trong tổng số lao động toàn xã hội. Do đó, việc đầu tư đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, giúp họ có điều kiện chuyển dịch sang lao động phi nông nghiệp cũng như đào tạo nghề cho những người còn ở lại lĩnh vực nông nghiệp để họ làm việc tốt hơn, có năng suất và hiệu quả hơn là một đòi hỏi bức xúc trong sản xuất nông nghiệp.
Cần “điểm huyệt” từng vùng
Mô hình phát triển toàn diện cái gì cũng có ở mỗi địa phương với các tiêu chí công nghiệp nặng, cảng nước sâu, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế v.v... đã làm giảm năng lực phát triển của quốc gia. Trong ảnh là sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). |
Trước thực trạng tồn tại “63 nền kinh tế”, chất lượng quy hoạch thấp, đại biểu Lê Thanh Vân (TP Hải Phòng) cho rằng, cần làm rõ được bản chất, nội dung và đặc trưng của cơ cấu nền kinh tế trong đó có ba yếu tố cấu thành. Một là yếu tố cơ cấu kinh tế theo ngành; Hai là cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế với chủ thể tham gia, ở đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế; Ba là cơ cấu theo lãnh thổ, ở đây xác định vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực. Từ đó xác định được thế mạnh, thế yếu của những thành phần, cấu tạo của nền kinh tế để tác động cho đúng. “Nói cách khác, đề án này phải vẽ được sơ đồ kinh mạch huyệt lạc để điểm huyệt cho đúng, để khôi phục lại chức năng của cơ thể nền kinh tế đất nước. Từ đó xác định được những khâu đột phá, những điểm cần tác động mạnh”.
Ông Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhận định, điểm yếu hiện nay là nội dung quy hoạch còn chồng chéo, trùng, lặp, chưa đặt ngành, lĩnh vực, địa phương trong vùng kinh tế, liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế quốc gia. “Tôi nhấn mạnh, nếu không làm được điều này sẽ không khắc phục được tình trạng 63 quốc gia kinh tế như hiện nay”. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục đẩy nhanh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh chủ yếu là phân cấp quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển, quản lý ngân sách nhà nước, quản lý khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên;
Đến từ Lạng Sơn, đại biểu Nguyễn Thế Tuy phát biểu, với mô hình phát triển trăm hoa đua nở, mô hình phát triển toàn diện cái gì cũng có ở mỗi địa phương với các tiêu chí công nghiệp nặng, cảng nước sâu, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế v.v... đã làm giảm năng lực phát triển của quốc gia. Tư duy nhiệm kỳ, cơ chế xin cho và lợi ích nhóm là nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên. Quy hoạch vùng phải hết sức chú ý đến sự phát triển của các vùng nghèo, đặc biệt nghèo như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên để đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, giảm chênh lệch giữa các vùng miền.
Đáng chú ý, trước sự “mơ hồ” của nhiều đại biểu về đề án, ông Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng: "Tôi muốn Chính phủ phải dự báo và phân tích, đánh giá sâu hơn sự tác động của đề án ở các mặt như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể". Chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào khi sức khỏe của nhân vật chính, thành tố trung tâm là các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp nói chung trực tiếp vận hành công việc tái cơ cấu đang gần như kiệt sức. Các doanh nghiệp sẽ tái cơ cấu được tới đâu khi nguồn vốn hạn hẹp, tồn kho đầy ắp cùng với thị trường đầu ra trầm lắng.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà (TP.HCM) đề xuất, cần có những chỉ tiêu để đo lường hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, theo các chỉ tiêu này để chúng ta điều chỉnh cho kịp thời. Ví dụ trong lĩnh vực đầu tư công tái cơ cấu thì chúng ta phải định hình được chỉ tiêu của chúng ta là đầu tư công chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong tổng phần trăm GDP. Cơ chế giám sát, quản lý của chúng ta đối với đầu tư công sắp tới những thể chế cần thay đổi là gì, hoặc khi chúng ta đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì chúng ta cũng phải đặt chỉ tiêu là tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước chiếm bao nhiêu trong tổng thể nền kinh tế, ở những ngành nghề nào, các thể chế mà chúng ta sẽ định ra để nêu rõ vai trò của chủ sở hữu, vai trò của quản lý. Đặc biệt là làm sao chúng ta phải xác định được trách nhiệm của những người đại diện chủ sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cơ chế minh bạch, giám sát công khai hóa các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như thế nào.
Không thả lỏng DNNN Đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên) đề nghị, trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp trọng điểm cả cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có đề xuất là các doanh nghiệp nhà nước không cần phải thực hiện nhiệm vụ là công cụ của nhà nước tham gia điều tiết vĩ mô cho nền kinh tế mà chỉ cần tập trung làm nhiệm vụ đầu tư vào lĩnh vực kinh tế tư nhân không làm được. Tôi cho rằng đề xuất này là không đúng, bởi lẽ không có lĩnh vực nào mà kinh tế tư nhân không làm được nếu Chính phủ có những chính sách phù hợp, ưu đãi, mà chỉ do yêu cầu cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh, phục vụ cho yêu cầu điều tiết vĩ mô của nền kinh tế nên ta phải giao cho các doanh nghiệp nhà nước. "Tôi hoàn toàn ủng hộ theo hướng duy trì các doanh nghiệp nhà nước mà đề án tái cơ cấu kinh tế do Chính phủ đề xuất. Nhưng tôi đề nghị phải làm rõ các định chế, pháp luật cho việc kiểm soát và quản lý các doanh nghiệp nhà nước, không được thả lỏng như hiện nay dẫn đến vi phạm, thiếu minh bạch và nghiêm minh". |
Theo SGTT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn