Toàn cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành phát triển 15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, như vậy tối thiểu phải có 1.500 HTX (chiếm 10%) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất”.
“Giờ phải quyết liệt hành động”
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến hết tháng 12/2017 cả nước có 11.668 HTXNN chủ yếu hoạt động tổng hợp (60%); với hơn 4,1 triệu thành viên, giảm trên 1,3 triệu xã viên so với năm 2012; bình quân khoảng 368 thành viên/hợp tác xã. Doanh thu bình quân cả nước của HTXNN là 980 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Hiện cả nước có tổng số 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,65%. Đây là con số thấp, cần phải thúc đẩy các HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, các lĩnh vực sản xuất của hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp. “Qua tổng hợp báo cáo từ 55 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho thấy doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 10,3 tỷ đồng/1 HTX trong khi doanh thu bình quân của HTX trên cả nước chưa đến 1 tỷ đồng. Đây là một yếu tố mà chúng ta cần hỗ trợ, đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Sau qua khi ứng dụng CNC vào phát triển nông nghiệp, nhiều HTX đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Đơn cử HTX Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (tỉnh Hưng Yên) nuôi thâm canh áp dụng công nghệ “sông trong ao” của Israel đã cho sản lượng tăng gấp 3 lần so với nuôi thông thường. Năm 2017, HTX Nông nghiệp Lâm San đã xuất khẩu 800 tấn sản phẩm hồ tiêu an toàn thông qua Công ty Nông nghiệp Lâm San sang thị trường Châu Âu. HTX Công bằng Thuận An ứng dụng công nghệ cao giúp giá bán cà phê tăng 9.000 đ/kg. Thực tế nhiều HTX trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới ở thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy doanh thu đạt 120 – 150 triệu đồng/ha, gấp 2 – 3 lần canh tác theo lối truyền thống.
Đoàn đại biểu đến thăm mô hình ứng dụng CNC tại Lào Cai
Đến thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi, chế biến cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) của HTX Minh Đức (ở thôn Can Hồ Mộng, xã Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai), nhiều đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ sự ấn tượng về hiệu quả cao mà mô hình mang lại. Từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định, các hộ nuôi cá nước lạnh đã tập hợp lại và thành lập HTX Minh Đức với 30 ao nuôi cá thương phẩm (mỗi ao rộng 100m2), 1 năm HTX sản xuất ra 40 tấn cá thương phẩm, đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Gần đây, để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo sự ổn định về đầu ra, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, HTX đã đầu tư dây truyền hun khói để chế biến cá nước lạnh nhằm nâng cao giá trị. “Năm nay sản phẩm làm ra đến đâu, HTX bán hết đến đấy. Dự kiến năm nay HTX sẽ mở rộng thêm 20 ao nữa nhằm tăng thêm sản lượng, cung cấp cho thị trường” – ông Nguyễn Thế Hải cho biết.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã bày tỏ sự tâm đắc của mình với mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đan Phượng (Hà Nội), chỉ với diện tích 1 sào mà thu nhập đến 240 triệu/năm: “Với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khả năng đạt doanh thu 3-4 tỷ đồng/1ha là khả thi, bây giờ chỉ còn thiếu hành động quyết liệt trong năm nay”.
Gỡ khó để đẩy mạnh HTX nông nghiệp công nghệ cao phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Đối với HTX nông nghiệp, có 3 vấn đề cần phải tập trung: Trước hết cần tăng cường tập huấn để nâng cao năng lực quản trị của các HTX; Thứ hai là phải hướng dẫn HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm; Thứ ba triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất. "Ở đây, chúng tôi muốn khẳng định việc HTXNN ứng dụng công nghệ cao là hoàn toàn hợp lý và cũng không nên quan niệm ứng dụng công nghệ cao là phải nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại mới là công nghệ cao, tất cả rất đơn giản, chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao " – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay Nhà nước đang có chủ trương tập trung đất đai để sản xuất lớn, như vậy cùng với tập trung đất đai phải gắn với vấn đề công nghệ cao. HTX là mô hình tập trung đất đai sản xuất rất hiệu quả và có thể là giải pháp hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay và không cần phải có hàng trăm hay hàng chục hecta mà vẫn có thể đảm bảo hiệu quả nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mới đây Chính phủ cũng giao Bộ NNPTNT xây dựng một đề án về HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. “Chính hội nghị này cũng là một điều kiện để Bộ lấy ý kiến các HTX góp ý cho Đề án này; sau khi trình Chính phủ chúng tôi sẽ triển khai rộng khắp trên cả nước. ” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Để có nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các ý kiến tại hội nghị nêu ra có nhiều vướng mắc phải tháo gỡ. Trước hết, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của HTX về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không phải cứ nói đến nông nghiệp công nghệ cao là nhà kính, nhà lưới hiện đại, rồi có nguồn kinh phí rất lớn mà đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp đến các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phải tiếp tục tăng cường hướng dẫn nông dân, HTX chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp, làm sao cho người dân, HTX nhận thức được và hiểu được nông nghiệp công nghệ cao có thể ứng dụng được ở đâu và như thế nào.
Bên cạnh đó, cần có biện pháp giải vốn tín dụng để các HTX nhất là các HTX có quy mô lớn có thể ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng việc áp dụng cho các HTX nông nghiệp còn hạn chế. Hiện nay chưa có HTX nào được vay từ gói hỗ trợ tín dụng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tỉnh đã vận dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho HTX. Qua tổng hợp nhanh, trong tổng số 46 tỉnh có báo cáo, đã có 15 tỉnh có hỗ trợ 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng kinh phí đầu tư là 55.610 triệu đồng. Bình quân 01 HTX được hỗ trợ 695 triệu đồng.
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Saigon Coopmart cùng ký kết hợp đồng hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ quản trị với một số HTX tiêu biểu các địa phương trước sự chứng kiến của toàn thể đại biểu.
Đại diện Saigon Coopmart ký kết hợp đồng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm
Trong ngày, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành kinh tế hợp tác và PTNT. Theo báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, lĩnh vực kinh tế hợp tác trong năm 2017 đã có bước đột phá với kết quả là các HTX nông nghiệp tăng rất mạnh so với bình quân của 4 năm trước khi có Luật HTX năm 2012 ra đời. Trong năm số lượng HTX thành lập mới là 1.189 HTX, tăng hơn 5 lần so với bình quân 4 năm là 181 HTX. Nhiều HTX đặc biệt là các HTX thành lập mới đã tích cực tham gia và các chương trình tái cơ cấu của ngành, sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ cao, tổ chức liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nên hoạt động của các HTX này đạt hiệu quả tốt.
Công tác giảm nghèo và đào tạo nghề được triển khai đúng kế hoạch và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ chế chính sách và nguồn lực về giảm nghèo được ban hành kịp thời, nhiều mô hình giảm nghèo được triển khai ở các địa phương. Công tác đào tạo nghề có nhiều đổi mới khi triển khai Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xác định đối tượng, phương thức đào tạo, huy động nguồn lực nên là năm đầu tiên số lượng đào tạo vượt so với kế hoạch (7,2%). Chất lượng đào tạo cũng bước đầu có chuyển biến. Nhiều địa phương có số lượng nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp tăng mạnh như Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, TP. HCM, Long An, Cà Mau là những tỉnh có số lượng đào tạo khoảng trên 6.000 nông dân.
Chương trình “không còn nạn đói” được triển khai tích cực và được Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị. Lĩnh vực sắp xếp ổn định dân cư tiếp tục được triển khai tích cực, tham mưu kịp thời cho Chính phủ các Chương trình, kế hoạch sắp xếp ổn định dân cư, số dân di cư tự do năm 2017 giảm mạnh so với các năm trước. Dự án di dân tái định cư thủy điện sơn La của Chính phủ đã kết thúc, đảm bảo yêu cầu tiến độ và chất lượng. Nâng cao được trình độ cho cán bộ địa phương và người dân về công tác sắp xếp dân cư. Các lĩnh vực về Ngành nghề nông thôn, Cơ điện nông nghiệp, Nghề muối cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao./.
Khương Lực/www.mard.gov
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn