Phần lớn nợ đọng nông thôn mới đang nằm trong tầm kiểm soát!
Trả lời câu hỏi, vì sao chưa phải là nút thắt, trong khi nhiều người lo lắng những khoản nợ chúa chổm đó, ông Lộc cho biết, hiện 63 tỉnh, thành đã báo cáo nợ đọng NTM, trong đó 10 tỉnh và 60% số xã không có nợ. Các xã đạt chuẩn, có 61% số xã là có nợ.
Xây dựng “Kế hoạch nợ”
Ông từng làm Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện hơn một nhiệm kỳ rồi được điều lên Trung ương và phụ trách chương trình NTM ngay từ ngày đầu. Từ thực trạng và cả những kinh nghiệm, ông có bình luận gì về số nợ NTM hiện nay?
Tổng số nợ tính đến tháng 6/2016 là 15.219 tỷ đồng chỉ bằng 1,7% tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong 5 năm qua. Bình quân mỗi xã nợ phổ biến từ 3 – 5 tỷ.
Không phải cứ xây dựng NTM mới có nợ. Tuy nhiên, cũng có thực tế nợ NTM trên diện rộng. Đáng lo ngại nhất là có tới 10% số xã có nợ từ 35 – 40 tỷ đồng/xã, cá biệt xã Vĩnh Thanh (Bạc Liêu) nợ 71 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, phần lớn nợ đang nằm trong tầm kiểm soát. Nhiều nơi họ có hẳn cả một “kế hoạch nợ”. Chúng tôi đã từng khảo sát và thấy, có xã báo cáo không đúng sự thật về công trình và số nợ. Có xã đưa cả những khoản không phải nợ xây dựng NTM vào. Chẳng hạn, vấn đề ở xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) mà NNVN phản ánh thì số nợ 38 tỷ đồng xây dựng cơ bản việc quyết toán sẽ không khó khăn như khoản nợ 3,5 tỷ đồng chi cho “ca hát, ăn uống”. Hay có xã công trình quyết toán rồi, đưa vào sử dụng nhưng vẫn kê lên để mong nhận được hỗ trợ. Ví dụ như xã Định Tân (Yên Định, Thanh Hóa) báo cáo nợ 15 tỷ khi kiểm tra thì xã bán đất trả hết nợ rồi.
Chúng ta cần chọn ngẫu nhiên các xã để kiểm tra thực trạng nợ. Chọn xã đã đạt chuẩn còn nợ và xã chưa đạt chuẩn nhưng khai có nợ lớn. Mỗi tỉnh chọn khoảng 10 xã, kiểm tra thật kỹ lưỡng, tổng hợp lại sẽ có cái nhìn đầy đủ về nợ đọng.
Nhưng thưa ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giám sát chương trình xây dựng NTM và dư luận vẫn đặt câu hỏi là vì sao lại nợ nhiều đến thế?
Nhiều ý kiến nói rằng, nợ là do chạy theo thành tích. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do chúng ta đặt ra mục tiêu cao nhưng không có nguồn lực thực hiện.
Qua khảo sát một xã muốn đạt chuẩn NTM: vùng ĐBSH cần khoảng 100 tỷ; Bắc Trung bộ khoảng 130 tỷ; miền núi phía Bắc khoảng 300 tỷ; ĐBSCL cần khoảng 180 tỷ. Trong đó khoảng 65 – 70% kinh phí dành cho xây dựng.
Thế mà 5 năm qua, chúng ta chỉ cấp được cho mỗi xã bình quân khoảng 6 tỷ đồng. Còn lại xã phải nhằm vào đất là chính. Mục tiêu ta đặt ra đến 2015 có 20% số xã đạt chuẩn trong điều kiện kinh tế suy thoái nên nguồn hỗ trợ từ ngân sách và doanh nghiệp đều khó khăn. Nhiều nơi bí quá thì huy động bằng mọi giá, dùng các nguồn vốn không đúng, hạ thấp tiêu chí, đánh giá châm chước hoặc xin nợ tiêu chí.
Ngoài không có nguồn lực thì nguyên nhân nào khác khiến nợ đọng nhiều thưa ông?
Chúng ta làm NTM cũng như một gia đình xây cất căn nhà để ở. Tôi nói thật, trừ các đại gia và quan chức khá giả, còn chúng ta ít nhiều đều phải vay mượn. Xây dựng NTM thì bộn bề công việc, toàn khoản chi lớn cả, trong buổi đầu bỡ ngỡ, nợ cũng là điều dễ hiểu.
Quan sát thấy, nhiều nơi kể cả cán bộ chỉ đạo khi giúp xã xây dựng đề án NTM cũng hay ước tính theo kiểu phương phưởng con cua trong lỗ. Ví dụ, tính địa bàn có 3 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp hứa giúp 10 tỷ thế là nghĩ có 30 tỷ đồng rồi. Vào thời điểm kinh tế suy thoái doanh nghiệp không có để hỗ trợ, công trình thì đã làm, thế là ôm nợ. Chỗ này không phải vì thành tích mà vì năng lực, trình độ kém.
Tất nhiên không ít nơi cũng có bệnh thành tích nên nhiều xã, huyện đạt NTM nhưng chất lượng thấp. Đó là vì thành tích chứ không phải vì cuộc sống người dân. Theo tôi chủ yếu là cán bộ tỉnh và huyện ép xã.
Trung ương có không thưa ông?
Không!
Vì sao?
Trung ương chỉ đặt ra mục tiêu, định hướng chứ không bắt buộc, không ép nhưng nhiều tỉnh rất máy móc. Những nơi nghèo, khó khăn cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu 20% số xã đạt chuẩn, có huyện đạt chuẩn.
Ông Tăng Minh Lộc cho rằng, nợ đọng chỉ là nhất thời có thể sớm khắc phục nếu quyết tâm. Vấn đề là cần tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm, an ninh trật tự chưa an toàn, nhiều hủ tục và tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi... đang là điểm nghẽn lớn trong xây dựng NTM.
Tôi lấy ví dụ điển hình là huyện Phước Long (Bạc Liêu). Tỉnh muốn xây dựng Phước Long thành huyện điểm nên có những lời hứa về nguồn lực. Đến khi cả huyện như một đại công trường, ngân sách trên không rót như đã hứa thế là huyện ôm nợ.
Kỷ luật để không liều làm
Mặc dù nợ nần ở các địa phương đầm đìa nhưng không ít lãnh đạo vẫn bình tĩnh, không lo lắng gì?
Đơn giản là họ thấy được chỗ để nhắm có tiền trả rồi. Đó là đất. NNVN phản ánh Thái Bình vùng vẫy trong nợ, tôi đảm bảo rằng, ở đó nợ nhiều nhưng họ có “kế hoạch nợ” đấy nên không lo lắm đâu. Họ bình thản lắm đấy!
Thái Bình có chương trình bán xi măng chịu cho các xã để làm NTM. Tuy nhiên, Thái Bình có giải pháp an toàn cho nhà đầu tư. Vì họ nghĩ rằng nợ vài năm là có thể trả được nhưng người dân được hưởng thụ trước. Đây cũng là sự khôn ngoan để họ dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách.
Nói vui là nợ có tính toán.
Nhưng về mặt tổng thể thì việc để nợ đọng hàng ngàn tỷ đồng là đáng suy ngẫm. Cần các giải pháp gì để giải quyết những vấn đề đó, thưa ông?
Nợ đọng lớn và kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy làm cho nông thôn phát triển không bền vững. Xây dựng NTM là công cuộc lâu dài, có thể nhiều xã đến năm 2030 vẫn chưa thể đạt chuẩn nên không quá nôn nóng, sốt ruột.
Ảnh minh họa
Thứ hai cần rà soát lại các đề án, dự án. Dựa vào nguồn lực có thể có để đưa ra mục tiêu sát thực tế. Ví dụ 5 năm tới ngân sách Trung ương dành cho NTM khoảng 63.000 tỷ đồng, theo tính toán của chúng tôi chỉ đảm bảo 35% tổng số xã chứ không thể đủ cho 50% số xã như mục tiêu đề ra được.
Thứ ba, cần phải ưu tiên trả nợ. Phân bố nguồn lực 2016 theo tôi nên ưu tiên cho trả nợ. Nơi nào nợ nhiều nhưng đúng mục tiêu, làm bài bản, đủ thủ tục, không có tiêu cực thì ưu tiên trả trước.
Thứ tư, sớm điều chỉnh một số chính sách, cách làm phù hợp cho từng vùng, nhất là vùng khó khăn. Nơi khó khăn không chỉ ưu tiên vốn mà phải thay đổi cách làm.
Thứ năm, cần sớm điều chỉnh một số tiêu chí NTM. Theo hướng có tiêu chí “cứng” và “mềm”. Các tỉnh vận dụng theo nguyên tắc cái nào không cần thiết thì dứt khoát không làm.
Ngoài ra nên bổ sung những điều kiện đủ. Ví dụ, nếu nợ NTM trên 3 tỷ đồng và 2 năm không có nguồn đảm bảo để trả thì có đạt chuẩn cũng không công nhận NTM.
Kết hợp đánh giá sự hài lòng của người dân. Theo đó 90% người dân đồng tình ủng hộ thì xã đó mới được công nhận NTM. Những nơi nào nợ đọng lớn 10 tỷ đồng trở lên và không có khả năng trả nợ trong vài năm thì lãnh đạo xã và cán bộ cấp trên phụ trách xã đó phải bị xử lý kỷ luật.
Xin cảm ơn ông!
Trung ương nợ thưởng 1.700 tỷ đồng
Khi NNVN thực hiện chuyên đề này, không ít địa phương đạt chuẩn NTM bày tỏ bức xúc, đó chính là Trung ương cũng đang nợ tiền thưởng. Khi các xã, huyện đạt chuẩn NTM thì Trung ương ra quyết định khen thưởng và tổ chức trao bằng công nhận. Phần thưởng là một công trình được trao bằng hiện vật tượng trưng.
Thế nhưng đến nay hết quý II/2016 mà phần thưởng năm 2015 vẫn chưa được nhận. Tổng số tiền thưởng mà Trung ương đang nợ là 1.700 tỷ đồng.
Hà Tĩnh là 1 trong 13 tỉnh được Trung ương khen thưởng. Theo đó, tỉnh được thưởng 30 tỷ, huyện Vũ Quang 10 tỷ và 11 xã đạt chuẩn, mỗi xã được thưởng 1 tỷ đồng. Đến nay 51 tỷ đồng tiền thưởng này Hà Tĩnh chưa nhận được đồng nào.
theo Báo Nông Nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn