Sản xuất rau công nghệ cao của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý. Ảnh: Thiện Tâm |
Theo chia sẻ của chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hợp tác xã được thành lập với 7 thành viên chuyên sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao và đã xây dựng được thương hiệu “Rau quê hương người gái đảm cho sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các bếp ăn tập thể. Tuy nhiên việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng phát triển đối với Hợp tác xã rất khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng đến nay bản thân Hợp tác xã chưa được tiếp cận và chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 98.
Theo chị Bùi Hường Bích, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng cho biết, việc đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn lớn tuy nhiên các hợp tác xã không thể đem tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng được mà phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn; mức lãi suất cũng không được hỗ trợ ưu đãi nào từ Nhà nước. Đây chính là những khó khăn chung của các Hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.
Bàn về vấn đề này ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Rau Văn Đức, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, việc khuyến khích các Hợp tác xã phát triển, hoạt động có hiệu quả đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ thành viên. Trên thực tế cho thấy việc vận dụng chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển hợp tác xã, tạo cơ sở pháp lý thông thoáng, tháo gỡ khó khăn cho Hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, để Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thì bên cạnh những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước thì mỗi Hợp tác xã cần phải năng động, nắm bắt xu thế để sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, mang lại hiệu quả thiết thực cho mỗi thành viên.
Như vậy có thể thấy, Luật HTX năm 2012 ra đời đã cởi trói, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho các Hợp tác xã phát triển. Nhưng việc phát triển cần đánh giá hiệu quả thực tiễn, không nên chạy theo chỉ tiêu thành lập, để sau đó lại hoạt động cầm chừng, không mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ thành viên.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn