Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phải khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Đoàn đã đi khảo sát mô hình vườn cây cao su, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình và 2 công ty (Công ty TNHH MTV Việt Trung và Công ty Long Đại) có mô hình lâm nghiệp tổ chức hợp lý, hoạt động hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, đất rừng được bảo vệ, khai thác hiệu quả, đời sống người lao động được đảm bảo, gắn chế biến, tiêu thụ sản phẩm với việc bảo vệ và khai thác rừng.
Công ty Việt Trung quản lý theo mô hình 2 cấp, cấp công ty và các đơn vị trực thuộc, được giao quản lý là 3.078 ha, sử dụng hết, không để đất trắng, tình trạng lấn chiếm đất gần như không xảy ra.
Diện tích đất do Công ty Long Đại quản lý là hơn 100 nghìn ha, trong đó gần 71 nghìn ha rừng tự nhiên, 16 nghìn ha rừng trồng (cao su, thông, keo, tràm, cây bản địa), còn lại là vườn ươm, trụ sở, cửa hàng, nhà xưởng. Hàng năm, Công ty được cấp phép khai thác từ 8.000 – 8.500 m3 gỗ rừng tự nhiên; tận thu gỗ cành ngọn, gỗ lóc lõi khoảng 2.000 m3.
Theo báo cáo, do đặc thù rừng tự nhiên xen kẽ với rừng sản xuất, nên hàng năm Công ty chủ động trích từ tiền đầu tư sản xuất kinh doanh để thuê người dân địa phương bảo vệ, gắn chặt trách nhiệm với quyền lợi với chi phí khoảng 6 tỷ đồng/năm. Rừng được bảo vệ tốt.
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh quy định gắn chặt quyền lợi của công ty lâm nghiệp với việc bảo vệ rừng, nếu bảo vệ rừng không tốt, sẽ không tiếp tục được giao diện tích khai thác.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm mô hình nông nghiệp của Công ty Việt Trung. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng cho rằng việc 2 công ty lâm nghiệp chuyển đổi thành công, làm ăn có lãi trong khi đất đai được quản lý hiệu quả, cơ bản không có tranh chấp lớn; rừng phát triển được, độ che phủ cao; kết quả sản xuất kinh doanh liên tục tăng cao, thu nhập của người lao động được đảm bảo là rất đáng biểu dương.
Phó Thủ tướng cho biết, sau quá trình khảo sát việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nông lâm trường quốc doanh tại nhiều địa phương trên cả nước, có thể rút ra một số bài học quan trọng.
Cụ thể, trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp, nông nghiệp, nhất thiết phải gắn với cơ sở chế biến, sản xuất để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo vệ và khai thác rừng một cách hiệu quả, phải gắn với cơ chế, chính sách của nhà nước trong việc khuyến khích người dân chủ động, tự giác bảo vệ, đồng thời tạo điều kiện để các công ty lâm nghiệp một mặt phát triển được sản xuất, phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng trong khi vẫn đảm bảo việc bảo vệ đất, bảo vệ rừng.
“Qua khảo sát, đề nghị các Bộ, ngành cần chú trọng nghiên cứu để điều chỉnh, đưa ra các chính sách mới trong việc quản lý, phân loại rừng, cùng với đó là cơ chế chính sách để các công ty lâm nghiệp hoạt động hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đối với 2 công ty nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp này cần nghiên cứu tính toán việc chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị; tính toán quy mô sản xuất phù hợp với nguồn nguyên liệu.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dâng hương tại Nghĩa trang Thanh niên xung phong Vạn Trạch. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Xuân Tuyến
chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn