Trong tổng số 47 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Ninh Thuận, khi xuất phát, tỉnh có 35 xã thuộc nhóm khó khăn và 12 xã trung bình. Nguồn thu nhập chính của 66,6% số hộ ở nông thôn chủ yếu là nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp, nhưng số lao động chưa qua đào tạo chiếm 91,5%, cho nên đời sống người dân nông thôn còn ở mức thấp, cùng với cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Vậy nhưng, chỉ sau 5 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Ninh Thuận đã có nhiều thay đổi.
Về vùng đồng bào dân tộc Chăm, thôn Thành Ý, xã Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận trong những ngày giữa tháng 12 này, chúng tôi ghi nhận, nơi đây đổi thay rất nhiều, 17 tuyến đường giao thông nội thôn, nội đồng, ngõ xóm, khu dân cư được trải bê-tông rộng rãi, thông suốt. Những công trình này có được từ sự đồng thuận chung sức đóng góp của 100% số hộ dân trên địa bàn, mỗi hộ 100 nghìn đồng/sào ruộng để làm, các hộ khó khăn thì góp ngày công lao động. Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Xuân Khải cho biết: Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xã luôn đề cao việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo và huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân, cho nên sau ba năm thực hiện, đã hoàn thành 19 tiêu chí. Hiện tại, thu nhập bình quân hơn 24 triệu đồng/người/năm.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Ninh Phước đã làm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích từ 74,5 triệu đồng/ha/năm (năm 2010) lên 142,3 triệu đồng (trong năm 2015), dần tạo được thương hiệu nông sản đặc thù trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 100% số đường giao thông trục xã, hơn 65% số đường trục thôn, 56% số đường nội đồng, 41% số kênh thủy lợi cấp ba được nâng cấp, xây dựng kiên cố; 99% số hộ gia đình đã sử dụng điện lưới quốc gia, 90% số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% số xã có đội thu gom xử lý rác thải… Hiện tại, huyện Ninh Phước có ba xã đạt chuẩn NTM.
Đi từ các xã An Hải, Phước Hải đến Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Vinh, đâu đâu chúng tôi cũng thấy sự khởi sắc rất rõ qua hiệu quả mang lại của nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng. Mô hình “một phải năm giảm” trong thâm canh cây lúa từ 10 ha ban đầu vào năm 2010, nay đã tăng gần bốn nghìn ha, giá trị thu nhập tăng thêm từ bảy đến chín triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống. Nhờ mô hình “tưới nước tiết kiệm” trong sản xuất, nông dân đã biến vùng đất hoang hóa rộng hơn 400 ha tại hai xã An Hải và xã Phước Hải trở thành vùng sản xuất rau an toàn có thương hiệu và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ khẳng định, mô hình đã giúp bà con nâng cao hoàn toàn chất lượng đời sống.
Tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc đã huy động sức dân hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Phong trào hiến đất làm đường ngày càng lan tỏa. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được gần 400 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và hàng chục km kênh mương đã được bê-tông hóa, kiên cố hóa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, vận chuyển nông sản, giao thương, đi lại của người dân.
Theo Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Ánh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” có tác động tích cực đến Chương trình xây dựng NTM. Phong trào đã làm chuyển biến việc đổi mới nội dung, phương thức vận động của mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh theo hướng thường xuyên bám sát cơ sở, sát dân, cụ thể, thiết thực hơn. Khi nhân dân đã nhận thức về vai trò chủ thể của mình, sẽ tự bàn bạc và quyết định hình thức đóng góp nguồn vốn xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, phát hiện được những mô hình hay, điểm sáng; nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia hỗ trợ ngày công lao động, nhận thực hiện các công trình giao thông nông thôn; việc hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng đã trở thành phong trào ở nhiều địa phương. Điển hình như ông Võ Mạnh Thanh, ở thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, khi lập gia đình với đôi bàn tay trắng, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, hiện ông có trong tay hơn một ha đất sản xuất và 14 con bò sinh sản, thu trung bình mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, ông Thanh tự nguyện hiến 200 m2 đất giúp xã mở rộng đường giao thông.
Về thôn Thái Hòa, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, chúng tôi được ông Đặng Quý, năm nay 63 tuổi, cho biết: “Qua họp dân, tuyên truyền vận động, mọi người đã ủng hộ chủ trương làm đường, làm mương nước, đã có ba hộ làm gương đóng góp trước 27 triệu đồng. Khi khởi công, nhìn thấy các tuyến đường làm mới dài hơn 3,5 km còn chật hẹp, 11 hộ đã tình nguyện hiến hơn 500 m2 đất để cơi nới rộng rãi hơn. Nhiều hộ sản xuất cũng sẵn sàng cắt đất ruộng để mở rộng tuyến mương”.
Đến nay, sau 5 năm, tại 11 xã điểm xây dựng NTM, nhiều mô hình sản xuất đã mang lại thu nhập cao cho nông dân Ninh Thuận, như: Sản xuất lúa nguyên chủng, sản xuất lúa “một phải, năm giảm”, áp dụng quy trình VietGAP cho cây nho, sản xuất rau an toàn, tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi gắn với xây dựng hầm bi-ô-ga, sử dụng máy dò ngang trong khai thác hải sản xa bờ; các chương trình, dự án lồng ghép như chương trình 30a, 135, dự án tam nông, dự án cạnh tranh nông nghiệp; mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp… đã và đang được nhân rộng.
Giai đoạn 2016-2020, Ninh Thuận phấn đấu có từ một đến hai huyện đạt chuẩn NTM, có thêm 13 xã đạt chuẩn, 23 xã còn lại bình quân đạt 15 tiêu chí và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Phấn đấu thu nhập tăng 1,8 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 1 đến 1,5%; riêng các xã 30a, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Để tiếp tục phát huy sức dân trong xây dựng NTM, ngoài dự kiến tổng mức nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp để thực hiện là 4.049.325 triệu đồng, tỉnh sẽ huy động thêm từ người dân và cộng đồng 380.091 triệu đồng.
Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn còn một số băn khoăn như khó thực hiện tiêu chí thu nhập, vì đây là tiêu chí động, biến đổi từng năm. Theo Quyết định 342/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí, chỉ có những xã thuộc Nghị quyết 30a được áp dụng mức của vùng trung du miền núi phía bắc - vùng thấp nhất cả nước là 35 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, nhưng thực tế, các xã đặc biệt khó khăn, địa bàn khó khăn, vùng bãi ngang cũng rất khó thực hiện tiêu chí này.
Hiện nay, các xã đều áp dụng chuẩn đánh giá là tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 5% mới đạt yêu cầu tiêu chí. Trong giai đoạn tới sẽ thay đổi chuẩn hộ nghèo theo hướng tăng lên gần gấp đôi so với hiện nay, và như vậy, chắc chắn tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng theo, nên nhiều xã đặc biệt khó khăn cũng khó thực hiện. Vì vậy đối với tiêu chí này cần sửa đổi theo hướng phân vùng, như tiêu chí thu nhập, để các xã đặc biệt khó khăn có khả năng thực hiện.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự đồng thuận của người dân, tin rằng phong trào xây dựng NTM ở Ninh Thuận sẽ góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, theo chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.