Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Qua đó giúp nhân dân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa, lợi ích của xây dựng NTM là dân làm, dân hưởng. Thay vì trông chờ, ỷ lại, mỗi tổ chức, cá nhân phát huy vai trò chủ thể, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên còn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội nhằm tạo nguồn lực cho xây dựng NTM. 5 năm qua, quỹ vì người nghèo các cấp thu được trên 50 tỷ đồng, vận động các chương trình an sinh xã hội trên 100 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho gần 2.100 hộ nghèo; hỗ trợ giống, vốn, tư liệu sản xuất, khám chữa bệnh cho gần 1 vạn hộ nghèo; tặng hàng vạn suất quà cho người nghèo nhân dịp lễ, tết… Các hoạt động trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,5% (năm 2010) xuống còn 3,32% (năm 2014), dự kiến năm 2015 giảm còn 2,5%.
Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, MTTQ các cấp còn có nhiều giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp sức mạnh nhân dân, lồng gắn 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với 19 tiêu chí NTM. Với vai trò nòng cốt ở khu dân cư, các ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Kết quả phong trào thi đua lao động sản xuất đã thúc đẩy phong trào xây dựng NTM. Vai trò của từng cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư được phát huy với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi người tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí làm đường giao thông, nhà văn hóa và nhiều công trình phúc lợi khác. Điển hình, ở xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình), nhiều gia đình không chỉ hoàn thành các khoản đóng góp theo quy định mà còn tự nguyện hiến đất và ủng hộ hàng trăm triệu đồng như ở thôn Lam Sơn có gia đình bà Bùi Thị Chén ủng hộ 585 triệu đồng, ông Phạm Đức Toại ủng hộ 300 triệu đồng, ông Phạm Văn Đắc ủng hộ 250 triệu đồng… Đồng chí Phạm Văn Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Với phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết”, đội ngũ những người làm công tác mặt trận đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được lợi ích to lớn của xây dựng NTM, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần để địa phương về đích NTM cuối năm 2014, sớm 1 năm so với kế hoạch với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng 74,376 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ 38,111 tỷ đồng, ngân sách xã đối ứng 14,138 tỷ đồng, nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ 22,127 tỷ đồng. Nhân dân trong xã tham gia 19.897 ngày công, hiến 74.131m
2 đất nông nghiệp và đất thổ cư để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng kênh mương, làm đường giao thông nông thôn… Giờ đây, Đông Thọ đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản chiếm 16,7%; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 66,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 16,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,61%.
Đối với Thanh Tân (Kiến Xương), một trong những yếu tố làm nên thành công là sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức thành viên. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, các tầng lớp nhân dân hiểu được xây dựng NTM thực sự là một cuộc cách mạng mà hưởng lợi trực tiếp chính là người dân, từ đó người dân vào cuộc, cùng thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM. Khai thác và phát huy được sức mạnh tập thể, Thanh Tân đã huy động được mọi nguồn lực tập trung xây dựng thành công NTM với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 202,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân và con em xa quê đóng góp hơn 37 tỷ đồng. Ông Phạm Đức Thành (thôn An Cơ Bắc) cho biết: Hiểu được xây dựng NTM là dân làm, dân hưởng nên mỗi người dân chúng tôi đều phát huy quyền làm chủ, trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, quyết định những phần việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đồng thời vận động con em xa quê có nhiều hoạt động thiết thực hướng về xây dựng quê hương.
Các cháu Trường Mầm non Đông Thọ (thành phố Thái Bình) được học hành, vui chơi dưới mái trường đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp to lớn vào kết quả chung xây dựng NTM của tỉnh. 5 năm qua, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện hiến gần 2.000ha đất, đóng góp 4.460 tỷ đồng (bằng 55,7% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM). Đến nay, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn quốc gia về NTM. Dự kiến hết năm 2015, toàn tỉnh có 165 xã (62,7%) đạt chuẩn quốc gia về NTM, vượt 95 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.