Bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh Kiên Giang cho biết, qua 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), MTTQVN các cấp trong tỉnh đã tổ chức hàng ngàn cuộc tuyên truyền về xây dựng NTM. Trong đó, cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên được tiếp thu quán triệt đạt tỷ lệ khá cao. Các tổ chức thành viên Mặt trận đã xây dựng trên 4 ngàn mô hình, trong đó gần 2 trăm mô hình nhân dân tự xây dựng.
Phong trào xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đạp ngày càng lan tỏa ở nhiều địa phương. |
Nhiều mô hình đã trở thành phong trào, được tổ chức sâu, rộng trong quần chúng nhân dân. Như phong trào thi đua thực hiện đoạn đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, phong trào trồng cây xanh, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt ngày càng được người dân quan tâm, ý thức về môi trường lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, còn có phong trào xây dựng khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng NTM…
Không ít địa phương đã xây dựng được các mô hình tiêu biểu, như mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Hàng rào cây xanh”, “Đoạn đường đẹp”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, gắn với xây dựng NTM”, “Khu dân cư tham gia xây dựng NTM”.
Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, hàng năm đã lồng ghép việc tổ chức tập huấn công tác Hội với tập huấn kiến thức xây dựng NTM. Các chi, tổ hội, đã cấp phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền thực hiện 19 tiêu chí xây dựng xã NTM cho hội viên và vận động nhiều hộ gia đình đăng ký thực hiện.
Ông Trần Chí Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên tiếp tục phát động đăng ký duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông nông thôn. Các hội viên nông dân đã trực tiếp tham gia hàng chục ngàn ngày công lao động, góp phần thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng NTM của tỉnh.
Cụ thể, đã xây dựng 166 công trình NTM, trên 100 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, đăng ký 150 mô hình dân vận khéo, tổ chức Hội thi lồng ghép tuyên truyền chủ đề “Nông dân với chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội”…
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ Hội các cấp về vai trò Hội phụ nữ tham gia xây dựng NTM. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua các hội thi, hội thảo, toạ đàm về vai trò phụ nữ tham gia xây dựng NTM, 15 phần việc hộ gia đình thực hiện và giải pháp nâng cao cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, ra quân xây dựng tuyến đường hoa, cây xanh, mô hình không rác thải nhựa..
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho rằng, các tiêu chí xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch" phù hợp với một số tiêu chí của xây dựng xã văn hóa nông thôn, xã nông thôn mới, đều hướng tới xây dựng gia đình và cộng đồng với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn.
Hội liên hiệp Phụ nữ với mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”, trao tặng giỏ xách cho các hội viên nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa. |
“5 không” là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và trẻ em bỏ học. Chẳng hạn “không đói nghèo” là không chỉ lo cho gia đình mình mà còn sống có tình làng nghĩa xóm, tích cực tham gia các hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, tương trợ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, tham gia các hoạt động an sinh xã hội trong cộng đồng.
“3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Điều ngày phù hợp với tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, ăn ở sạch sẽ, sử dụng nước sạch hoặc nước hợp vệ sinh, nhà tắm kín đáo, nhà vệ sinh tự hoại. Các thành viên trong gia đình phải biết giữ gìn sức khỏe, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
Nhiều huyện như Gò Quao, U Minh Thượng… đã lan tỏa mô hình gia đình “5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới" gắn với hộ gia đình đăng ký hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa. Cụ thể, các gia đình đăng ký tham gia mô hình sẽ được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trao tặng giỏ xách thay cho túi nilon khi đi chợ, hạn chế rác thải nguy hại đến môi trường.
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo ý thức trong việc hạn chế và không sử dụng túi nilon của hội viên, phụ nữ và nhân dân để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã tổ chức tuyên truyền các nội dung “Tuổi trẻ Kiên Giang chung tay xây dựng NTM” qua hội thi tìm hiểu về NTM, hội diễn văn nghệ, diễn đàn, hội nghị đưa nội dung xây dựng NTM lồng ghép vào nội dung các lớp tập huấn của Đoàn, Hội…
Ra quân làm sạch môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. |
Kết quả trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức hàng chục ngàn cuộc tuyên truyền, với hàng trăm ngàn lượt đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và quần chúng tham gia. Đã xây dựng được trên 847 công trình giao thông nông thôn, trồng mới hàng trăm ngàn cây xanh tạo cảnh quan, bóng mát tại khuôn viên đơn vị, trường học và các tuyến đường dọc bờ sông. Ra quân xóa cầu tiêu trên sông, đồng thời hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đào hàng trăm hố rác tại các gia đình.
Vận động các nhà tài trợ xây dựng 9 trạm nước ngọt cho nhân dân vùng hạn mặn; hỗ trợ kéo ống dẫn nước sinh hoạt từ nhà máy nước và 200 bồn chứa nước loại 500 lít. Tổ chức nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, duy trì và xây dựng 530 mô hình liên kết hợp tác, câu lạc bộ phát triển kinh tế trong thanh niên; tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên.
Vận động thành lập và duy trì được 6 hợp tác xã và 170 tổ hợp tác thanh niên, 530 mô hình thanh niên liên kết hợp tác sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, 680 chi hội nghề nghiệp... Các hoạt động trên đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ và nhân dân về Chương trình MTQG xây dựng NTM...
Một phong trào sâu, rộng Phong trào chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân hưởng ứng hết sức mạnh mẽ, có nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng phong trào. Nhiều địa phương đã quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn xã/huyện NTM. Công tác tuyên truyền, vận động đã được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp phát động bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực đã phát huy hiệu quả, với nhiều mô hình mới, cách làm hay. Đến nay, xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn, đi vào cuộc, qua đó xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhiều gương điển hình tiêu biểu tham gia xây dựng NTM, như hiến đất làm đường, trường học, xóa cầu khỉ, đóng góp ngày công lao động, tham gia giữ gìn môi trường, cải tạo cảnh quan, tham gia giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cùng với đó là những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” Kiên Giang đang xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại 3 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 2 xã NTM là Định Hòa (huyện Gò Quao), Thạnh Lộc (huyện Giồng Riềng) và phường Tô Châu (TP Hà Tiên) được chọn là địa phương thực hiện thí điểm trước. Các địa phương được chọn làm thí điểm thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” sẽ tổ chức các hoạt động như tổ chức tập huấn lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào tập huấn Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình, công tác văn hóa cơ sở, Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”. Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép sinh hoạt tại ấp, khu phố, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, Tổ Nhân dân tự quản, CLB Đờn ca tài tử, Hát với nhau, Đội tuyên truyền lưu động và các hình thức phù hợp khác. Tập trung tuyên truyền cao điểm các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)... PHÚC NGHI |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn