Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp, tìm ra những điều kiện, giải pháp, để từ đó kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương sớm có những cơ chế, chính sách cụ thể, tháo gỡ khó khăn; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 là: Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,24 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 47% vào năm 2020…
Hiện nay, tổng diện tích rừng của nước ta hơn 13 triệu ha. Trong đó, rừng tự nhiên còn hơn 10 triệu ha. Theo Đề án Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 2020, nước ta sẽ có từ 16,2 triệu đến 16,5 triệu ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất chiếm hơn 8 triệu ha, rừng phòng hộ gần 6 triệu ha và rừng đặc dụng chiếm khoảng 2,3 triệu ha.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những khó khăn, hạn chế trong phát triển rừng và ngành chế biến gỗ của nước ta hiện nay. Trong giai đoạn 2004 – 2014, hiệu quả kinh tế từ ngành trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và các loại lâm sản của nước ta rất thấp. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước của các nông, lâm trường chỉ được 1.809 tỷ đồng, với 642 nông, lâm trường được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chiếm 90% tổng diện tích đất đang sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế các nông, lâm trường này không phát huy được hiệu quả trong phát triển kinh tế rừng. Trong khi đó, ngành gỗ được xác định là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với đó là chế biến, xuất khẩu nguyên liệu thô từ khai thác rừng trồng, kim ngạch xuất khẩu gỗ dăm năm 2014 là 958 triệu USD (6,97 triệu tấn). Tuy nhiên, một bất cập đang diễn ra trong khi chúng ta xuất khẩu gỗ dăm thì ngành gỗ Việt Nam lại phải nhập khẩu khoảng 60 – 75% nguyên liệu để đáp ứng đầu vào cho sản xuất chế biến (năm 2014 Việt Nam nhập khẩu hơn 9 triệu m3 gỗ).
Các đại biểu cho rằng, để phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới, yêu cầu bức thiết được đặt ra hiện nay là chúng ta phải tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Việc tái cơ cấu cần đáp ứng được yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước cần có chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lâm nghiệp quy mô lớn. Đối với các Công ty lâm nghiệp được hình thành từ lâm trường quốc doanh, cần nhanh chóng chuyển đổi sang các hình thức khác như cổ phần hóa, chuyển đổi sang Ban quản lý rừng hoặc giải thể các đơn vị hoạt động không hiệu quả…
Hiền Long (Nguồn: Tổng hội NN VN)