Ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Xưa nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã hình thành, phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực tại một số vùng nông thôn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhiều mô hình NTM đã được hình thành mà mục tiêu chung hướng đến là làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Người dân vùng cao Quảng Nam đang bắt tay làm du lịch theo hướng phát triển cộng đồng. Ảnh: T.H
Tuy nhiên, để tạo sợi dây kết nối, sự liên kết trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với xây dựng NTM của vùng thì thật sự chưa đặt ra bài toán để để nghiên cứu, để tìm tòi, tìm hướng đi và đề ra giải pháp để giải quyết...
“Hội thảo lần này là để phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng NTM tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; từ đó đề ra giải pháp để phát triển du lịch nông thôn trong những năm tiếp theo” - ông Lê Trí Thanh nói.
Theo Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát triển kinh tế du lịch nước ta những năm qua đã không ngừng tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt được vượt xa so với mức dự báo từ năm 2010, cụ thể: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016).
Ở khu vực nông thôn, trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam.
Các loại hình du lịch như: Trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, sinh thái… đã phát triển, chiếm tỉ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch nước ngoài đón nhận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển các loại hình du lịch trong xây dựng NTM tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhiều khó khăn. Từ việc chưa có định hướng, quy hoạch và kế hoạch cho sự gắn kết này đến việc chưa phát huy được giá trị vốn có của làng quê, làng nghề, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các vùng liên quan…
PGS-TS Trần Đình Thiên - Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Miền Trung có nền nông nghiệp đặc sắc, có vùng nông thôn đậm bản sắc văn hóa - lịch sử - môi trường - sinh thái nhưng chưa được thúc đẩy phát triển và khai thác - phát huy có hiệu quả từ góc độ “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của vùng.
Để giải quyết đúng và hiệu quả bài toán phát triển của mình cho giai đoạn tới, như cách đặt vấn đề tổng quát được thể hiện trong tiêu đề hội thảo, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần có cách tiếp cận phát triển mới, theo đúng tinh thần “đổi mới mô hình”, nghĩa là phải thay đổi căn bản, triệt để và mang tính hệ thống chứ không thể chỉ là “chỉnh sửa”, “cơi nới” cục bộ.
Theo Trương Hồng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn