Môi trường là một trong những tiêu chí khó nhưng An Hiệp đã làm tốt. Trong ảnh: Lò đốt rác tại xã.
Ong Nguyễn Thành Tín, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, cho biết: Phát huy thành tựu đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với Chương trình XDNTM.
Năm 2011, xã triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, tuy bước đầu gặp không ít khó khăn, bởi đây là chương trình mới mẻ đối với cả cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, thế nhưng nhờ làm tốt công tác truyền thông mà cán bộ, nhân dân dần hiểu được lợi ích thiết thực mà chương trình mang lại, nhờ đó công cuộc XDNTM ngày càng “thông đồng bén giọt”.
Là xã nội đồng nên việc dồn điền đổi thửa được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện tốt việc điều chỉnh đất đai, quy tụ thành vùng chuyên canh. Đảng ủy, HĐND xã An Hiệp đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp diện tích đất cơ bản làm đường giao thông nội đồng, mỗi khẩu từ 30 - 40m2 đất. Tổng diện tích đất nhân dân tự nguyện đóng góp là 140.000m2 và gần 20.000 ngày công lao động, tiến hành đào đắp trên 40.000m3 đất, trị giá gần 2 tỷ đồng.
Đến hết tháng 12/2012, An Hiệp đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa theo đúng quy hoạch NTM, từ 8,7 thửa/hộ xuống còn 1,9 thửa/hộ; hoàn thiện gần 10km đường giao thông trục chính nội đồng, khơi thông gần 5km hệ thống mương tưới tiêu nước thuận tiện cho việc canh tác của nhân dân.
Trong 3 năm (2010 - 2013), An Hiệp đã xây dựng hoàn thiện 8/8 nhà văn hóa thôn; xây dựng tầng 2 Trạm Y tế; nhà học 2 tầng Trường THCS và hệ thống nhà phụ trợ Trường Trung học, Trường Mầm non… với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 20 tỷ đồng. Quy hoạch 20.000m2 đất dành cho phát triển công nghiệp, thu hút 2 công ty may và giầy da, tạo việc làm cho 900 lao động; 6 cơ sở sản xuất nhỏ làm móc câu, làm hương, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi.
Tính đến tháng 3/2016, đã có 120 tập thể, cá nhân ủng hộ vào quỹ XDNTM với tổng kinh phí trên 950 triệu đồng. Điển hình như hộ ông Đỗ Đình Sản (Hà Nội), ông Nguyễn Công Minh (Quảng Ninh), ông Nguyễn Khắc Diệp (thôn Lam Cầu 1)…; Công ty Thành Đạt, Công ty Thành Năm, Công ty Ngô Huyền…
Có thể nói, trong 5 năm triển khai Chương trình XDNTM, nhờ có sự thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận trong nhân dân nên kinh tế An Hiệp ngày một phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện; tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đây chính là nhân tố quan trọng, là động lực mạnh mẽ để An Hiệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2015.
Tổng kinh phí huy động xây dựng các công trình nông thôn mới xã An Hiệp là trên 60 tỷ đồng, trong đó, trên 3 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh; 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh và huyện; 24 tỷ đồng từ ngân sách xã (nguồn bán đấu giá quyền sử dụng đất); 25 tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp; gần 4 tỷ đồng từ nguồn huy động khác... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn