Sản xuất nông nghiệp tập thể hay mô hình hợp tác xã (HTX) (collective farming hay communal farming) là các hình thức sản xuất có sự tập hợp của một số trang trại và các thành phần liên quan. Trên thế giới, có hai mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hợp tác điển hình là Kolkhozy phổ biến tại Liên Xô cũ trong suốt 60 năm (1930 đến 1991) và Kibbutzim, hình thức cộng đồng trong sản xuất nông nghiệp của Israel. Nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới đã phân tích sự khác biệt giữa hai mô hình để thấy được một mô hình vốn đã phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng lan rộng trên thế giới của Liên Xô nhưng rồi không tồn tại lâu do kém hiệu quả và mô hình được xem là hiệu quả và bền vững của Israel. Sự khác biệt chính như sau:
Cả hai loại KTHT này đều dựa trên nguyên tắc tổ chức HTX: sở hữu chung các nguồn lực, lao động và chia sẻ thu nhập. Tuy nhiên hai hình thức có sự khác biệt về quyền lựa chọn và phân chia lợi nhuận. Sự hình thành của Kolkhozy tại Liên Xô diễn ra trong những chiến dịch liên miên nhằm phát triển hợp tác xã trên toàn lãnh thổ Liên Xô những năm 1930, trên thực tế là hình thức bắt buộc nông dân Nga và các nước Cộng hòa Liên bang tham gia HTX với sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Trong khi đó hình thức Kibbutzim tại Israel là HTX được tạo ra bằng sự tình nguyện và được quản lý một cách dân chủ. Sự thất bại của hệ thống HTX nông nghiệp của Liên Xô còn được thể hiện ở nhiều nước Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam và Tanzania mà nguyên nhân lớn nhất là sự ép buộc tham gia và phân chia lợi nhuận không công bằng. Điển hình là hệ thống HTX khổng lồ với sự quản lý vô cùng chặt chẽ của nhà nước ở Trung Quốc đã không cưỡng lại được sự thất bại tất yếu vào những năm 1970. Các hình thức hợp tác xã như trên rất khó tìm thấy ở các nước châu Âu khác; HTX ở Tây Âu chủ yếu là các cộng đồng sản xuất nông nghiệp dưới quyền quản lý của hiệp hội người sản xuất không có sự can thiệp thô bạo của chính quyền vào quá trình sản xuất và phân chia lợi nhuận.
Mô hình hợp tác xã của Israel được coi là ổn định nhất và thành công nhất thế giới. Mô hình này phân chia lợi nhuận dựa trên vốn đối ứng của các hộ dân, từ đó khuyến khích mọi người đóng góp vào quá trình sản xuất của cộng đồng. Ảnh: Kibbutz (hợp tác xã) Sha ở Israel
Israel có hình thức HTX nông nghiệp hay ‘cộng đồng hợp tác xã’ đặc thù và có lịch sử lâu đời, hình thành từ năm 1909, và được phát triển mạnh mẽ từ khi Israel giành độc lập (1948). Gần đây hình thức HTX của Israel cũng có xu hướng tư nhân hóa trong hệ thống sản xuất nông nghiệp tập thể. Tuy nhiên so với tất cả các hệ thống khác trên thế giới, HTX tại Israel là thành công và ổn định nhất. Năm 2010, Israel có 270 HTX thành viên, hệ thống nhà máy và trang trại của họ chiếm đến 9% sản phẩm công nghiệp (8 tỉ USD) và 40% sản phẩm nông nghiệp (1,7 tỉ USD). Một số thành viên HTX còn tạo ra các sản phẩm công nghệ cao; ví dụ năm 2010, HTX Sasa (200 thành viên) tạo ra 850 triệu USD từ công nghiệp nhựa quân sự.
Cùng với cách thức tổ chức, thì sự khác biệt rõ nét nhất giữa mô hình HTX Liên Xô và Israel là nguyên tắc về chia sẻ lợi nhuận. Qua sự phân tích tương tác công việc - lợi nhuận giữa hai mô hình HTX này, Guttman và Schnytzer (The Economic Journal, 1989) chỉ ra sự khác biệt chiến lược giữa hai mô hình trong bài “Strategic work interactions and the Kibbutz- Kolkhoz Paradox”. Trong mô hình Liên Xô sự chia sẻ lợi nhuận được phân chia “bình quân chủ nghĩa" do đó không khích lệ các thành viên trong HTX tăng hiệu quả lao động. Trong khi đó mô hình của Israel có phương pháp phân chia lợi nhuận “công bằng” dựa vào đối ứng (matching - sự đóng góp vào lợi nhuận HTX của từng thành viên) và từ đó khích lệ tất cả các thành viên tham gia đóng góp cho sự phát triển của HTX. Phương pháp đối ứng chính là công cụ để hệ thống HTX của Israel khích lệ thành viên tăng cường đóng góp (thường là bằng lao động) để tạo ra nhiều sản phẩm hơn của HTX, tăng thu nhập cá nhân và qua đó họ lại tăng nguồn đóng góp giúp cho sự phát triển bền vững của KTHT.
Trải qua hơn 20 năm phát triển, Liên minh HTX Việt Nam và khu vực KTHT đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Tuy nhiên, KTHT vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài (Kết luận của Bộ Chính trị, 2012), mà nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về phát triển KTHT còn thấp và chưa đầy đủ, người nông dân e ngại và mất lòng tin về mô hình HTX mà họ hoặc cha ông họ đã phải nếm trải, các mô hình HTX kiểu mới chưa mấy thành công do năng lực của các tổ chức KTHT còn yếu, công tác quản lý nhà nước về KTHT còn nhiều hạn chế, khung pháp luật và chính sách phát triển KTHT còn nhiều bất cập… |
Các hệ thống HTX theo mô hình của Liên Xô cũ hiện nay đã thay đổi, trong đó có nhiều bài học thành công (như công cuộc Đổi mới ở Việt Nam) nhưng đáng chú ý hơn đó là bài học thành công trong sản xuất nông nghiệp ở Ukraine. Sau khi độc lập, mặc dù có diện tích đất nông nghiệp đứng thứ hai ở châu Âu (45 triệu hecta), Ukraine đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nông nghiệp trầm trọng do nhiều nguyên nhân kinh tế-chính trị, tuy nhiên một trong những nguyên nhân đó là hệ thống HTX theo mô hình của Liên Xô không phù hợp với thực tế phát triển. Ukraine đã tiến hành cải tổ nông nghiệp với khẩu hiệu “Đất cho những ai làm việc - Land for those who work it” và đây được xem là phương thức chính trong cuộc cải cách nông nghiệp tại Ukraine. Ukraine đã chuyển đổi gần 100% (khoảng 12.000) các liên minh HTX (kolkhozes) của nhà nước sang hình thức kinh doanh tư nhân. Điều đáng nói là sự biến đổi trong hình thức KTHT của Ukraine là bước chuyển hóa liên tục rõ ràng với định hướng hội nhập để nông nghiệp của Ukraine luôn phát triển trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế suy thoái do khủng hoảng chính trị triền miên. Sự chuyển biến dựa trên thay đổi phương thức sản xuất KTHT gắn với chuỗi giá trị toàn cầu như sau: từ xã viên hợp tác trở thành người nông dân sở hữu đất (trung bình 4 hectare/trang trại) và chuyển vào những trang trại lớn, giờ đã thành các agroholdings (tạm dịch là các công ty cổ phần nông nghiệp). Trong đó đáng chú ý là công ty cổ phần nông nghiệp UkrLandFarming (sở hữu trên 800.000 hectare) lớn thứ tám thế giới và đã được tập đoàn Cargill khổng lồ của Hoa Kỳ mua 5% cổ phần. Hiện nay giá trị thị trường của các agriholdings của Ukraine chiếm đến 4 tỉ USD.
… Và Việt Nam
Trong giai đoạn hiện nay, sự thành bại của các hình thức KTHT nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc HTX hay liên minh HTX gắn kết thế nào với chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi hoạt động theo chuỗi giá trị sẽ cho phép từng thành phần kinh tế tương tác với nhau và kiểm soát nhau ở mức hiệu quả nhất. Người quản lý tư nhân hay nhà nước có thể dễ dàng phát hiện ra điểm mạnh điểm yếu trong bất kỳ khâu nào tại bất kỳ thành phần nào trong chuỗi để điều chỉnh. Việc gắn kết những hộ nông dân nhỏ lẻ, hay các HTX ở trình độ sản xuất nhỏ, manh mún lạc hậu vào một hệ thống kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị mà thường được điều phối bởi các chuỗi siêu thị hay các tập đoàn lớn đa quốc gia là mấu chốt nhưng cũng là thử thách vô cùng lớn (Gulnaz Kaseeva, FAO, 2013) để phát triển KTHT ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này chúng ta không thể thực hiện được nếu không đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp, đồng thời có biện pháp thích ứng để rút ra các bài học từ những kinh nghiệm và trải nghiệm quốc tế.
Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết hiện nay có khoảng 4 triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đang sống trong cảnh nghèo đói, thu nhập chưa đến 1 USD/ngày (United Nations Development Program, Human Development Report 2013). Thành phần nông dân này - phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em thất học - không có kỹ năng nào khác ngoài việc làm ruộng, 75% phụ thuộc vào thương lái, không thể tự mình tiếp cận với thị trường, họ chưa được tổ chức, hoặc tổ chức lỏng lẻo để ‘làm ruộng’. Như vậy nguyên nhân của sự nghèo đói chính là nông dân ta không có khoa học kỹ thuật, và hạ tầng cơ sở kém đã tiếp sức để ngăn cản bước đột phá của nông thôn Việt Nam.
Do vậy muốn nông dân thoát cảnh đói nghèo, muốn công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn thành công phải có sự tham gia của nông dân có trình độ, nông dân ‘có học’ thông qua tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, theo tư duy công nghiệp, trong đó KTHT là thành phần kinh tế chủ đạo, để nông dân cũng có thu nhập cao như công nhân trong khu vực công nghiệp, viên chức ở các đô thị. Việc trồng rau, hoa trong nhà có mái che (greenhouse) ở Úc, Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Israel đã mang đến một thu nhập khoảng 1-1,5 triệu USD/ha/năm nhờ ứng dụng công nghệ cao, rồi câu chuyện Làng thần kỳ Kawakami thuộc tỉnh Nagano, ở phía tây Tokyo thu nhập bình quân hộ gia đình lại tới mức 250.000 USD/năm, rồi những nông dân có học đang xây dựng thôn Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng thành Làng thần kỳ là những ví dụ cụ thể chứng tỏ nông thôn có đủ sức để vươn lên làm giàu với những xóm làng xanh, sạch, đẹp nếu được đầu tư đúng, có tư duy đúng.
Có KTHT, có nông dân có học, với sự giúp sức của KH&CN và Khoa học quản lý, chúng ta mới có thể xây dựng được những thương hiệu nông sản và thực phẩm made in Vietnam “tươi ngon, sạch đẹp – green & clean” từ các làng xóm thần kỳ!
Một số giải pháp phát triển KTHT tại Việt Nam
Việt Nam có đến trên 80% diện tích đất nông nghiệp đang được các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ nhất thế giới (trung bình mỗi hộ có khoảng một hectare được chia làm năm-bảy thửa ruộng, ở miền Bắcnhỏ lẻ hơn ở miền Nam, OEDC 2010) canh tác. Những hộ nông dân này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong sản xuất và thị trường do hạn chế về quỹ đất, sản xuất nhỏ, thiếu đầu ra ổn định và đặc biệt thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp (đại đa số chưa bao giờ biết đến hợp đồng nông nghiệp-contract farming). Trong khi đó, các công ty chế biến, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng gặp phải khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản nguyên nhân do thiếu nguyên liệu đầu vào có chất lượng và ổn định. Mặt khác, các doanh nghiệp hay các cơ sở chế biến, kinh doanh này lại thiếu ‘niềm tin’ vào chất lượng và khả năng cung cấp nguồn vật liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Sự không gắn kết này là rào cản lớn nhất cần phải giải quyết để phát triển KTHT trong nông nghiệp.
Để phát triển KTHT trong nông nghiệp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp dựa vào phương pháp tiếp cận chuỗi đó là xác định vai trò của từng thành phần/mắt xích trong chuỗi giá trị và điểm yếu để cải thiện, đồng thời kết hợp với các bài học quốc tế và kinh nghiệm tham gia dự án quốc tế.
(1) Phát triển các hội sản xuất nhỏ-trung bình tự chủ có nhóm trưởng là người có trình độ và uy tín: Từ kinh nghiệm của các dự án nước ngoài và thực tế các công ty chế biến thường chỉ nhận nguồn nguyên liệu cung cấp từ hộ sản xuất nhỏ trong khuôn khổ các dự án của các tổ chức nước ngoài hay là thông qua các tổ chức tư vấn. Sự mất “niềm tin” của doanh nghiệp đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ là do người dân thường nhận đầu tư ban đầu (tạm ứng vốn, phân bón, hạt giống…) của công ty để cung cấp sản phẩm, nhưng khi thu hoạch họ không làm đúng theo cam kết, sẵn sàng bán đi nơi khác nếu giá cao hơn. Từ thực tế trên chúng ta có thể phát triển các “mô hình hội sản xuất nông dân tự chủ”, lựa chọn các hộ có nguyện vọng và khả năng tham gia vào các hội sản xuất. Nhóm nông dân tự bầu ra một nhóm trưởng có uy tín nhất và mọi trao đổi hợp tác đều thông qua nhóm trưởng (cách tiếp cận của các dự án quốc tế). Hội sản xuất nông dân tự chủ nên được đào tạo sử dụng nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận “matching” theo mô hình của Israel. Qua đây chúng ta cũng sẽ nâng dần “niềm tin” của các bên liên quan đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ.
(2) Đào tạo các thương lái trung gian có kiến thức kinh doanh nông nghiệp: Giải pháp hiện tại của các công ty là hợp tác với các thương lái (middle-man) để họ thu mua nông sản từ các hộ nông dân rồi bán số lượng lớn hơn cho công ty. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ở Kenya cho thấy, thương lái là một thành phần trung gian tiềm năng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay thành phần trung gian này ở các nước đang phát triển cũng chưa có trình độ đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế hội nhập, thậm chí một số còn gây thêm sự mất “niềm tin”. Chính vì vậy, người thương lái nên là đối tượng được đào tạo để trở thành một mắt xích kết nối người nông dân nhỏ lẻ hay các nhóm nông hộ tự chủ để cùng tham gia vào chuỗi giá trị. Đối tượng này cần được trang bị kiến thức về luật bản quyền, về hợp đồng kinh doanh, về phương pháp tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nông nghiệp trong nước và quốc tế…
Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, ở nước Úc nông dân chỉ chiếm 1,8 % dân số, nhưng thành phần này đã sản xuất một lượng lương thực và vải vóc với năng suất một nông dân có thể nuôi sống được 204 người - một kỷ lục chưa có nước nào đạt được, kể cả Hoa Kỳ - nhờ nông dân có trình độ văn hóa cao: 31% có bằng đại học hoặc cao đẳng. |
(3) Gắn kết KTHT với các tập đoàn, công ty lớn quốc tế bởi các thành phần này sẽ nắm vai trò kéo nền KTHT của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu, dựa trên nguyên tắc phát triển của chuỗi giá trị l�kéo (pull) chứ không phải đẩy (push). Kinh nghiệm thành công của Ukraine và một số nước có sự chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu Liên Xô thành các agroholdings cho thấy các nhóm nông hộ, các công ty kinh doanh địa phương cần được hỗ trợ của các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc hỗ trợ hợp tác với các tập đoàn và công ty quốc tế. Bài học từ chuỗi sản xuất hạt óc chó (Walnut) của Kazakhstan cho thấy, trong vài thập niên ngành này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều thành phần tham gia, nhiều trung gian nhưng không có đối tác ổn định do thiếu tổ chức từ sản xuất đến tiêu thụ bài bản. Tuy nhiên, khi có công ty lớn của châu Âu quan tâm, chuỗi sản xuất hạt óc chó của quốc gia này trở nên ổn định và gia tăng giá trị, và có các đối tác ổn định, tin cậy lẫn nhau, bao gồm HTX, công ty xuất khẩu trong nước, và các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu của châu Âu.
4) Phát triển các hãng sản xuất và các công ty vừa và nhỏ có vai trò như người “nhạc trưởng”. Theo TS. Vũ Trọng Khải, trong chuỗi giá trị giúp phát triển KTHT thì việc phát triển này là chiến lược trung hạn và nó nằm ở “niềm tin” giữa người sản xuất nhỏ và các công ty chế biến để kết nối hai thành phần của chuỗi sản xuất. Để giải quyết được việc này, chúng ta cần nâng cao nhận thức của người nông dân, và có kế hoạch dài hạn với sự tham gia hiệu quả hơn nữa của khuyến nông và các cơ sở đào tạo. Đồng thời cần xây dựng các công ty có cung cách tổ chức và làm việc chuyên nghiệp. Trong kinh doanh nông nghiệp, các công ty không thể chỉ cung cấp hạt giống thử nghiệm ban đầu để bán được giống như đa số công ty trong nước hiện nay đang làm mà cần phải có cam kết và trách nhiệm với sự phát triển của hạt giống do công ty mình cung cấp cho người dân, phải lấy tiêu chí “người nông dân thành công là thành công của công ty” giống như văn hóa của các công ty châu Âu đó là “Seed & Service”. Ngoài ra công ty cần phải có khả năng tư vấn cho người sản xuất về kế hoạch sản xuất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, có khả năng tập huấn cho người sản xuất nhỏ và tập hợp họ trong thành phần sản xuất của công ty mình, từ đó mà hình thành vùng nguyên liệu ổn định và tin cậy của công ty.
Công ty Lacue, Nhật Bản muốn xây dựng một mô hình giống như “làng thần kỳ” Kawakami ở thôn Đạ Nghịt, Lạc Dương, Lâm Đồng.
(5) KH&CN có vai trò quan trọng trong KTHT. Cơ sở nghiên cứu cần được đầu tư xứng tầm để các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có thể đóng góp thiết thực và cụ thể làm chuyển hóa cả một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, chứ không phải là xây dựng một vài mô hình, một vài điểm sáng để trình diễn như hiện nay. Cơ sở nghiên cứu nên được khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ (tương tự các dự án đổi mới sáng tạo do World Bank tài trợ hiện nay như dự án FIRST và VIIP). Điều đó cũng phải tách biệt với việc nhà khoa học trực tiếp làm kinh doanh (nhà khoa học không thực chất1, xin tạm gọi như vậy). Hiện nay trong một số lĩnh vực nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng kinh phí nghiên cứu từ các đề tài của nhà nước để tạo giống hay nghiên cứu ra công nghệ sản xuất mới. Trên thực tế thì các nhà khoa học này sử dụng nguồn kinh phí đề tài để nhập khẩu giống của nước ngoài, làm mô hình để nghiệm thu, sau đó là kinh doanh (bán giống, bán phân bón, bán thuốc bảo vệ thực vật, bán công nghệ…). Những lĩnh vực họ nghiên cứu lại rất ‘thị trường’, nghĩa là có nhu cầu lớn (giống rau, giống hoa, phân bón mới, công nghệ mới…). Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cá nhân muốn khởi nghiệp. Đồng thời cũng làm cho các nhà nghiên cứu kinh tế-chính sách “bó tay”. Kinh nghiệm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là các nhà nghiên cứu tạo ra giống mới (lúa, cà chua…) bán bản quyền cho các doanh nghiệp và hướng tới nhà khoa học chỉ làm khoa học, kinh doanh là việc của doanh nghiệp spin-off như các đại học nghiên cứu trên thế giới đang làm.
(6) Vai trò của các cơ quan chính phủ trong hỗ trợ phát triển KTHT: KTHT không thể phát triển được nếu thiếu vắng sự hỗ trợ thông qua chính sách và thể chế của nhà nước. Hiện nay chúng ta đã có nhiều chủ trương chính sách phát triển KTHT trong nông nghiệp như Cánh đồng mẫu lớn, Liên kết bốn nhà, Tam nông, v.v… nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao gắn với chuỗi giá trị. Cùng với các chính sách và thể chế khuyến khích sự hình thành và phát triển của các loại hình KTHT, thì nhà nước còn cần cải thiện hệ thống phân tích đánh giá đầu ra hay nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để cung cấp cho bộ phận KTHT thì sẽ mãi tồn tại nền sản xuất nông nghiệp với nhiều rủi ro như hiện nay (bởi người dân thường sản xuất những gì họ vẫn sản xuất hoặc những gì được giá cao ở vụ trước; có thể kể ra vô số các ví dụ về sự rủi ro này mà người nông dân nhỏ lẻ phải gánh chịu). Ngoài việc tạo ra hệ thống phân tích thông tin thị trường còn cần phải có hệ thống truyền tải/phản hồi thông tin đó đến người người sản xuất và thương lái.
Đồng thời, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (người nhạc trưởng) trong nền KTHT mà chúng ta đang xây dựng như đã đề cập ở trên bằng cách quan tâm đầu tư vào công nghệ sản xuất. Đây chính là bài học rút ra từ việc thành bại của hệ thống KTHT theo mô hình Liên Xô (công nghệ lạc hậu) và Israel (với công nghệ tiên tiến, khích lệ sự sáng tạo và đổi mới công nghệ).
Kiến nghị
Trình độ sản xuất và trình độ quản lý của tất cả các thành phần trong nền KTHT nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trình độ, kiến thức và “niềm tin” ở một số thành phần kinh tế là những “nút thắt cổ chai” hiện nay cần phải tháo gỡ để phát triển KTHT gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện việc này cần đầu tư vào đào tạo, KHCN và thúc đẩy trải nghiệm kinh nghiệm quốc tế. Ngoài việc đề xuất các chính sách có liên quan đến quản lý ruộng đất, chính sách tín dụng… để phát triển KTHT mà bài viết này không đề cập thì hai việc sau: (1) xây dựng các kế hoạch để đào tạo các thành phần trong chuỗi sản xuất kiến thức và kỹ năng về kinh doanh nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp và quản lý sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng; (2) Cần đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ và kỹ thuật để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp như một tổng thể, chứ không phải chỉ đầu tư một vài mô hình công nghệ nông nghiệp như chúng ta đang làm, mới có thể làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp Việt Nam. Việc này không thể làm trong một sớm một chiều mà là việc làm lâu dài, kiên trì, cần thời gian và tiền bạc.
Chúng tôi có một số đề xuất cụ thể sau:
Có chính sách xây dựng các nhóm hộ nông dân (HTX) sản xuất tiên tiến theo mô hình ‘chia sẻ lợi nhuận’ (matching) kiểu Israel, đồng thời xây dựng chương trình đào tạo về sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cho nhóm thành phân kinh tế này;
Mở các lớp đào tạo về quản lý sản xuất nông nghiệp, tiêu chuẩn và thực hành sản xuất đảm bảo chất lượng quốc tế cho lãnh đạo các làng xã nông thôn, các doanh nghiệp địa phương và thương lái thông qua các chương trình trao đổi quốc tế, tìm kiếm đối tác;
Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn cho các chủ doanh nghiệp về kiến thức kinh doanh quốc tế (nhà nước và nhân dân cùng đóng góp), thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của các trường đại học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang có chương trình trao đổi với nhiều nước trên thế giới về thực hành nông nghiệp: quản lý chuỗi sản xuất nông nghiệp với Hà Lan, thực hành nông nghiệp tốt với Israel…).
Mở các chương trình đào tạo đại học, sau đại học về quản lý sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng.Mở các chương trình đào tạo công nghệ thông tin kinh doanh nông nghiệp: ứng dụng CNTT trong dự báo dự tính thị trường…
Chiến lược phát triển KH&CN cho các trường ĐH Nông nghiệp để kết hợp vừa nghiên cứu khoa học vừa chuyển giao kiến thức, với sự tham gia của doanh nghiệp. Có chính sách quản lý tốt để kinh phí nghiên cứu khoa học phục vụ những người thực sự làm nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại hội thảo Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam: từ chính sách đến thực tiễn, Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định bên cạnh mô hình liên kết giữa hộ nông dân và các doanh nghiệp, thì các hợp tác xã vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nền nông nghiệp Việt Nam bởi mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ không thể đảm bảo vươn đến hàng chục triệu hộ sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng mô hình hoạt động của đa số các hơp tác xã hiện nay ở Việt Nam đã không còn phù hợp, cần sớm cải tổ theo các mô hình tiến bộ ở trong và ngoài nước. Kinh nghiệm từ một số mô hình đã thành công trong nước như hợp tác xã Quý Hiền (Lào Cai) hay hợp tác xã vận tải thủy Rạch Gầm (Tiền Giang), đã thúc đẩy hiệu quả vai trò của hợp tác xã trong việc thu hút, gây dựng các hợp đồng lớn để chia lại cho các xã viên, trong khi hộ nông dân vẫn phát huy được vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, thậm chí tự chịu trách nhiệm về lời lỗ, qua đó cho thấy một mô hình hợp tác xã tiến bộ được triển khai đúng đắn sẽ “không phủ định kinh tế hộ và kinh tế cá thể” mà chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên thông qua hợp tác. |
Trần Đức Viên - Nguyễn Việt Long* Theo tiasang.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn