Khẳng định vai trò
Hoạt động tại HTX Quốc Noãn, xã Trường Thắng, |
Các THT, HTX chủ động đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc mở rộng, đa dạng cả về quy mô và loại hình sản xuất. Lĩnh vực hoạt động của THT, HTX ngày càng phong phú, đa dạng, như: thủy lợi, giống, vệ sinh môi trường, nước sạch, thú y, tín dụng, trồng nấm, xây dựng, đan đát... đáp ứng cơ bản nhu cầu kinh tế hộ xã viên và người dân, tạo điều kiện tốt cho kinh tế hộ phát triển. Vì vậy, kinh tế tập thể có những chuyển biến cả về tổ chức và hoạt động, xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố mới, mô hình tích cực; nổi lên những điểm sáng về tinh thần hợp tác, hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
THT Khiết Tâm thuộc địa bàn ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh có cánh đồng lớn với diện tích 340 ha, cùng 161 hộ dân. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng THT Khiết Tâm, cho biết: Với lợi thế đất đai liền canh, liền cư, diện tích đất sản xuất tập trung, gắn liền với kênh, rạch, đê bao khép kín, thuận tiện cho việc tưới tiêu, chăm sóc, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kiểm soát dịch hại và ứng dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất. Từ khi hình thành tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất trong cánh đồng lớn, thu nhập của thành viên tổ hợp tác cao hơn trước. Cụ thể, vụ đông xuân 2013-2014, tổ sản xuất giống lúa Jasmine với năng suất là 7,5 tấn/ha, thu nhập 22,3 triệu đồng/ha cao hơn bên ngoài khoảng 5 triệu đồng/ha; vụ hè thu 2014, tổ chuyển sang giống OM5451 với năng suất đạt 6,84 tấn/ha thu nhập 14 triệu đồng/ha cao hơn bên ngoài khoảng 2,3 triệu đồng/ha.
HTX Làm vườn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long, huyện Phong Điền hoạt động từ năm 1999 chuyên bán cây giống các loại và dịch vụ bơm tưới. Với tổng diện tích 20ha đất sản xuất trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm… doanh thu hằng năm của HTX đều tăng, mỗi năm doanh thu từ 2,5-2,8 tỉ đồng, lợi nhuận từ 1,2-1,5 tỉ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên là 16,5 triệu đồng/người/năm. HTX thành lập 2 tổ phun xịt thuốc, tưới cây và sên vét bùn, tổ quản lý trạm bơm điện trong đê bao. Hiện nay, chi phí 2 công đoạn này giảm 50% so với chi phí thành viên tự làm. Năm 2013-2014, HTX tổ chức xây dựng và bảo vệ đê bao khép kín cho các hộ thành viên kết hợp xây dựng trạm bơm điện từ nguồn vốn thành viên đóng góp. Mỗi năm HTX tiết kiệm cho thành viên khoảng 1 triệu đồng/ha so với các hộ ngoài HTX. HTX Trung Tín, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thành lập từ năm 2001 với 16 thành viên. Hằng năm, HTX giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho 80 lao động địa phương. Các thành viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Nếu năm 2006 thu nhập bình quân người lao động trong HTX là 1,38 triệu đồng đến năm 2014 đạt trên 4 triệu đồng/người. Tham gia HTX Quốc Noãn hoạt động chính là đan đát, chị Nguyễn Thị Tuyết, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Trước đây, tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ, từ khi vào HTX, tận dụng thời gian nhàn rỗi đan đát. Công việc không khó thực hiện, làm tại nhà, đàn ông hay phụ nữ đều làm được. Nhờ vậy, hằng tháng có thêm nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng thoải mái hơn”...
Nâng chất
Trong xây dựng NTM, vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân là đích đến cuối cùng. Các mô hình kinh tế tập thể được xem là đầu tàu có vai trò trung gian, kết nối để phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Do vậy, để các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả và thật sự là “bệ đỡ” cho người dân nông thôn đòi hỏi sự quan tâm của các cấp tạo điều kiện cho các HTX, THT ngày càng phát triển. Theo ý kiến của một số HTX, THT, vốn hoạt động, đầu tư mở rộng sản xuất là một trở ngại lớn. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng THT Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh, kiến nghị: Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ thành viên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục tái đầu tư mở rộng. Chính quyền địa phương và Liên minh HTX thành phố hỗ trợ, hướng dẫn giúp THT đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và có đủ tư cách pháp nhân trong quan hệ giao dịch và xây dựng thương hiệu.
Để gỡ khó cho các THT, HTX về vấn đề vốn, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Cần có những gói tín dụng trung hạn, lãi suất tốt để các THT, HTX có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở vật chất phát triển bền vững. Luật HTX 2012 có hiệu lực, qua đó thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, tuy nhiên về mặt thủ tục cần đơn giản hóa, thuận tiện hơn!
Ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Trong thời gian tới, mục tiêu của Liên minh HTX thành phố tích cực phát huy vai trò liên kết, phối hợp với đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả của các THT, HTX trên địa bàn thành phố. Song song đó, hỗ trợ các HTX khắc phục những yếu kém, phát triển ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hiện Liên minh HTX thành phố đang thành lập đề án hỗ trợ lãi suất cho các HTX trình UBND thành phố xem xét. Trong đó, nguồn vốn ưu tiên các HTX chuyển đổi theo đúng quy định trong ngành nông nghiệp và địa bàn nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu các HTX, THT cần năng động tiếp cận vốn, thị trường; nhất là việc liên doanh, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ. Các đơn vị liên quan quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong từng HTX; tạo điều kiện các HTX tiếp cận được vốn, tham gia các chương trình dự án kinh tế - xã hội tại địa phương… Đồng thời, rà soát lại tình hình THT, HTX trong từng xã NTM, trong các cánh đồng lớn để có kế hoạch phát triển, nâng chất. Liên minh HTX chủ động phối hợp thường xuyên với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thống nhất và triển khai tốt chương trình xây dựng mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, các mô hình trọng điểm, nâng cao chất lượng tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM…
Theo: baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn