Toàn cảnh Hội nghị diễn ra tại Hà Nội
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, sau hơn 8 tháng (kể từ khi EC cảnh báo vào ngày 23/10/2017), với sự nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác IUU. Cơ bản đã nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU trong Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện; nhận thức của các cơ quan quản lý thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp đã được nâng cao. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ; công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực.
Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện triệt để, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của EC đưa ra; điều này đã được Đoàn thanh tra của EC chỉ rõ trong các cuộc làm việc, kiểm tra thực địa vào tháng 5 vừa qua. Theo đó, công tác thực thi pháp luật để bảo đảm việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả. Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa cải thiện đáng kể. Các cấp chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chủ yếu dừng ở mức độ tuyên truyền, hình thức xử lý chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng còn hạn chế; việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của EC.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương cũng chia sẻ những thách thức khó khăn trong việc ngăn chặn và giảm thiểu khai thác IUU đồng thời đưa ra những kiến nghị cần tháo gỡ. Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương đang gặp khó khăn trong xử lý các phương tiện tàu, thuyền khai thác ở vùng biển nước ngoài; quy định về màu sơn tàu, việc gắn các thiết bị giám sát hành trình trên tàu… Từ đó, kiến nghị, Bộ NN&PTNT sớm ban hành việc hướng dẫn kỹ thuật gắn thiết bị hành trình, nghị định, thông tư văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản 2017; việc phối hợp xử lý vi phạm giữa các lực lượng như Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Biên phòng… Một bất cập khác theo phản ánh của các địa phương ven biển đó chính là hệ thống hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu còn nhiều hạn chế, việc kiểm soát hàng thủy sản trên tàu về và xuất đi còn chưa thực hiện hiệu quả…; hay như chế tài xử phạt đối với các tàu vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài còn chưa đủ mạnh; việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc khắc phục các khuyến nghị của EU, hoạt động khai thác thủy sản hiện còn nhiều hạn chế, gây ra những hậu quả tiêu cực, khai thác theo kiểu hủy diệt vẫn diễn ra… Do đó, việc nhanh chóng có biện pháp để EU tháo bỏ “thẻ vàng” là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết cần sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến các địa phương. Theo đó, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đối với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong đó có việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 của Chính phủ, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, không để EU áp dụng “thẻ đỏ”; đồng thời, đây cũng là cơ hội chấn chỉnh hoạt động khai thác thủy sản, tái cấu trúc lại ngành thủy sản.
Với Bộ NN&PTNT cần tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, rà soát hệ thống quản lý cảng cá, khu neo đậu… điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp; tuyên truyền cho ngư dân về khai thác đúng quy định… Các địa phương cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, tổ chức kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác sai quy định; tăng cường hoạt động kiểm soát bến cảng, tăng cường quản lý nhà nước tại khu vực này, quản lý lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, ghi nhật ký khai thác của ngư dân… Cùng đó, cần tạo thêm việc làm, mở rộng không gian hoạt động thủy sản trên cả lĩnh vực khai thác và nuôi trồng; đào tạo nhân lực cho nuôi trồng thủy sản chuyển từ khai thác sang nuôi trồng và các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch ven biển.
>> Theo kế hoạch, tháng 10/2018 Đoàn Nghị viện châu Âu gồm 30 thành viên, trong đó có 8 Nghị sỹ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam; đến tháng 1/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn