Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống người nông dân phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức tọa đàm "Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội" là một hoạt động rất có ý nghĩa, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy nói chung, công tác phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng; đặc biệt, nhằm tìm ra giải pháp đồng bộ, khả thi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bền vững; cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
|
Lãnh đạo thành phố trao đổi với các đại biểu bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: Bá Hoạt |
Thay mặt Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo Chương trình, chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến của Báo Hànộimới đã phối hợp với cơ quan thường trực Chương trình 02 là Sở NN&PTNT và huyện Đông Anh tổ chức thành công cuộc hội thảo; hoan nghênh lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, xã đã về dự đông đủ. Tôi đánh giá cao báo cáo của Sở NN&PTNT, nhất là ý kiến trao đổi, góp ý từ cơ sở của các đồng chí: Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (Thường Tín); Nguyễn Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (Ứng Hòa) và ý kiến phát biểu của 5 đồng chí Bí thư Huyện ủy đã nêu bật những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM. Đặc biệt là ý kiến của đồng chí Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ngành đã chia sẻ những khó khăn, đưa ra giải pháp giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, tôi xin nhấn mạnh một số ý kiến sau:
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình 02 của Thành ủy đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét: Kinh tế nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; chính trị, xã hội được giữ vững ổn định. Đặc biệt công tác DĐĐT là một việc lớn, khó khăn phức tạp. Năm 2012, thành phố xác định DĐĐT là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng thành các vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Do có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, đến nay, toàn thành phố đã DĐĐT đạt 100% kế hoạch. Sau DĐĐT nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT là hơn 1.773ha tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, trong thời gian qua, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 1,75%/năm, đạt mục tiêu của Chương trình đề ra. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha.
Thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Nhất là các địa phương đã thực hiện công tác xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp rất hiệu quả. Các dự án nông nghiệp đã được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân...
Về xây dựng NTM, toàn thành phố đã có 166/386 xã đạt chuẩn NTM (bằng 43%), dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ có 179/386 xã đạt chuẩn quốc gia NTM (bằng 46,4%), vượt kế hoạch đề ra. Huyện Đan Phượng đã được Hội đồng Thi đua Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015. Đồng thời, có thêm 3 huyện là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức về cơ bản đã đủ tiêu chí đạt chuẩn NTM. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 28,6 triệu đồng năm 2014 (vượt 3,6 triệu đồng so với mục tiêu Chương trình đề ra năm 2015).
Bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc sau DĐĐT như: Quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng chuyển đổi của các xã vùng bãi còn nhiều bất cập; việc chậm công bố quy hoạch đê điều gây ảnh hưởng đến quy hoạch nông thôn mới của các địa phương, trong đó có quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT còn chậm; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 còn khó khăn. Việc áp dụng chính sách ở cơ sở còn khó khăn, bất cập như: Hỗ trợ cơ giới hóa, cơ sở giết mổ; điều kiện, mức hỗ trợ đối với một số loại giống cây trồng, vật nuôi trong Nghị quyết số 25 của HĐND thành phố; thời gian phân bổ vốn hỗ trợ; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; các quy trình, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau DĐĐT chậm được triển khai; việc kiện toàn các HTX nông nghiệp cung cấp dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất còn có khó khăn, bất cập... Việc bố trí kinh phí thực hiện đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng cho các địa phương đã hoàn thành DĐĐT và tiếp tục bố trí kinh phí cho việc cứng hóa hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng để phục vụ sản xuất còn chậm và thiếu.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thành ủy, HĐND, UBND luôn coi trọng công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống người nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đề nghị các huyện, thị xã xây dựng chương trình chuyên đề cho lĩnh vực này trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, coi trọng đối thoại trực tiếp, lắng nghe nguyện vọng và giải đáp thắc mắc, cùng với người dân bàn bạc, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tới tăng thu nhập bình quân cho người nông dân từ 45 đến 50 triệu đồng/năm.
Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân thành phố sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp, đóng góp xứng đáng vào kết quả chung của Hà Nội trong thời gian tới.
Theo hanoimoi.com.vn