Vòng xoáy đô thị hóa nhanh chóng và những tác động của nó đến nông thôn ven đô đang ngày càng sâu sắc. Sự đổi thay ấy gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Có thể thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới những năm qua của Hà Nội đã thu được những thành quả rất đáng mừng. Hà Nội đi trước và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Hà Nội đã có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hai huyện là Đan Phượng, Đông Anh được Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức cũng đang hoàn thiện hồ sơ công nhận là huyện nông thôn mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gần 2,6 lần, từ 14 triệu đồng (năm 2011), lên 36 triệu đồng (năm 2016), vượt 11 triệu đồng so với mục tiêu.
Thế nhưng, những đổi thay ấy dường như còn ít so với cả tiến trình phát triển của xã hội nông thôn. Sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều chủ trương, chính sách cần được ban hành và thực hiện. Quá trình ấy đòi hỏi một tầm nhìn, một sự kỹ lưỡng và khả năng thích ứng tốt nhất với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thủ đô.
Thực tế là, song song với triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì Hà Nội cũng đang phát triển không gian đô thị với tốc độ nhanh. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô đạt khoảng 58-60%, năm 2030 đạt khoảng 65-68%. Tức là cùng lúc, Hà Nội phải đáp ứng hai xu thế tất yếu: Đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Phát triển đô thị giống như vết dầu loang, những không gian nông thôn ven đô sẽ dần “chuyển mình” lên phố. Thậm chí có những vùng như Thanh Trì, Hoài Đức gọi là huyện, song có không ít phần đã mang dáng dấp của đô thị sầm uất. Sự đan xen đó chắc chắn sẽ làm biến đổi đời sống, xã hội nông thôn. Nếu không có tầm nhìn, không có sự nhìn nhận phù hợp trong chiến lược phát triển sẽ dẫn đến những hệ lụy như lãng phí nguồn lực, các phát sinh trong quản lý xã hội hay những tác động nhiều mặt đến đời sống người dân.
Hiện nay, đến các vùng nông thôn mới sẽ thấy những con đường khang trang, những ngôi nhà hiện đại chẳng khác nào thành phố. Mừng thật, nhưng cũng không ít trăn trở. Đô thị hóa nông thôn, cũng đồng nghĩa sẽ có sự biến đổi về truyền thống, văn hóa, môi trường, đất canh tác bị thu hẹp, máy móc hiện đại sẽ làm dôi dư lao động... Nếu không “khéo” thì việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, các vấn đề xã hội, khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng khó khăn.
Tầm nhìn xa cho nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa còn là sự khớp nối hợp lý, nhất là khi nhiều đô thị vệ tinh của Hà Nội đang nằm giữa những vùng nông nghiệp trù phú. Vậy nên xây dựng nông thôn mới hay phát triển đô thị hóa phải tránh được sự phủ định lẫn nhau. Thực tế đã xảy ra việc các công trình nông thôn mới hoàn thành còn chưa phát huy hết công năng đã phải phá dỡ để nhường chỗ cho các công trình, dự án phát triển đô thị.
Khoảng cách giữa nông thôn với thành thị đang như gần hơn khi đời sống vật chất ở nông thôn dần được nâng lên. Trường học, nhà văn hóa, các thiết chế xã hội được hình thành đáp ứng nhu cầu về sức khỏe, học tập cũng như văn hóa, tinh thần của người dân. Tuy vậy, cốt lõi để phát triển nông thôn mới thích ứng với đô thị hóa vẫn phải là sự gắn kết chất lượng đô thị với giữ gìn bản sắc, truyền thống trên cơ sở bảo đảm điều kiện, tiện nghi cuộc sống cho nông dân. Đưa hiện đại, văn minh về làng nhưng không để mất hồn quê truyền thống. Đó mới là phát triển nông thôn mới bền vững!
Theo Nữ Quỳnh/hanoimoi.com.vn