Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm nay ngày 31/10, bão số 5 sau khi đi vào đất liền tại các tỉnh Bình Định - Phú Yên đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ chiều nay, tâm vùng áp thấp ở trên lãnh thổ Campuchia.
Hiện nay, lũ trên các sông Quảng Ngãi đến Phú Yên đang lên nhanh và ở mức báo động 1. Dự báo lũ tiếp tục lên nhanh trong 6-12 giờ tới, mực nước trên các sông ở mức báo động 1 - báo động 2, có nơi dưới báo động 3 từ 0,2-0,3 m; riêng sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 4,8 m (trên báo động 3 là 0,3 m), sông Đắc Bla tại trạm Konplong 595,0 (trên báo động 3 là 1 m).
Cảnh báo: Từ ngày 31/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin: “Thống kê thiệt hại ban đầu có 2 người bị thương (Quảng Ngãi). Mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Sau cơn bão số 5 cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý tàu thuyền tại các cảng cá, khu neo đậu còn hạn chế dẫn tới các thiệt hại vẫn còn xảy ra tại khu vực này. Bão không mạnh nhưng vẫn còn bất cập, công tác trực ban còn rất hạn chế”.
Trong cuộc họp trực tuyến, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch tỉnh Bình Định cho biết: “Cơn bão số 5 gây ra gió lớn kéo dài đến hơn 4 tiếng gây ra nhiều thiệt hại như cây đổ. Do khu neo đậu quá chật dẫn đến hơn 70 bị đứt neo và trôi, tuy nhiên, không có thiệt hại về người. Các khu neo đậu ở Bình Định đã quá tải, có 144 nhà sập, có 2000m kè biển bị sập nằm sát nhà dân và cuốn đi 13 nhà dân. Tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp nếu không có biện pháp thì còn 96 nhà dân sẽ bị cuốn trôi”.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết: “Trên địa bàn có 2 thuyền neo đậu bị chìm, có 14 nhà sập hoàn toàn, còn 18 nhà thiệt hại từ 30 – 50%, 70 ha bị ngập úng, có 72 xã đã mất điện”.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó Chánh văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn cho biết, 254 nghìn cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, 4 máy bay trực thăng cùng nhiều phương tiện hiện đại sẵn sàng ứng phó ở những nơi nguy hiểm. Có 1 tàu chở 10.000 tấn dầu bị mắc cạn, tàu Nghệ An bị hỏng máy trôi dạt trên biển đang được đưa vào bờ.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá bão số 5 đổ bộ nhưng may mắn cấp độ không quá mạnh nên đến nay chưa có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan. Trong triển khai vẫn có những chỗ còn lúng túng như vấn đề neo đậu tàu thuyền ở Bình Định. Cần phải xem xét rút kinh nghiệm tìm nguyên nhân, có kế hoạch bố trí đủ khả năng neo đậu tàu thuyền.
Theo dự báo, rất có khả năng những ngày tới sẽ hình thành thêm một cơn bão mới. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, thành viên theo dõi chặt chẽ bão số 5 và diễn biến trong tình hình mới để xây dựng giải pháp ứng phó. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân gặp nạn trong bão. Yêu cầu bảo đảm an toàn hồ chứa, bao gồm hồ thủy điện và hồ thủy lợi, vì đây là khu vực có độ dốc cao nên nếu hồ chứa gặp vấn đề thì rất nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân. Do mưa không lớn như dự báo nhưng dễ bị lũ quét, sạt lở đất nên các địa phương cần sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đề nghị tất cả chủ động các phương án ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra. Dự báo ngắn hạn có thể hình thành cơn bão mới. Mưa rất lớn. Chủ động không để bất ngờ, bị động”.
HNN (mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn