Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi tư duy tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp với thị trường
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Bộ Nông nghiệp là ngành đầu tiên hoàn thành và triển khai đề án tái cơ cấu, đánh giá kỹ hơn từng lĩnh vực, bảo đảm phân ngành giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Qua triển khai bước đầu cho thấy, người nông dân đã có nhận thức đúng đắn hơn về thị trường, chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Một số địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa là hết sức sáng tạo, dựa trên cơ sở tìm hiểu thị trường phối hợp với nông dân để đưa ra sản phẩm chuyên canh đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, việc triển khai tái cơ cấu còn lúng túng, kể cả ở cấp Bộ chứ không riêng gì các địa phương. Điều này đòi hỏi tư duy tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp với thị trường.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt tới từng cơ sở, đơn vị chức năng, doanh nghiệp và người dân. Nêu ra được các mô hình so sánh, thúc đẩy các mô hình sáng tạo nhằm đổi mới trong toàn bộ hệ thống. “Hoàn toàn có thể phát triển làm giàu từ nông nghiệp miễn là có sự năng động sáng tạo và có sự liên kết đúng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, thông tin thị trường là vấn đề sống còn, đề nghị Bộ Nông nghiệp thúc đẩy nghiên cứu về vấn đề này, cần có hệ thống thông tin riêng về thị trường, các mô hình sản xuất, liên kết thông tin thị trường giữa các cơ quan chức năng để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm an ninh lương thực, kiểm soát quy mô tái cơ cấu cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, qua gần 1 năm thực hiện, mới có 23/63 tỉnh, thành phố ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp, việc triển khai thực tiễn chưa nhiều và tác động tới tăng trưởng ngành còn hạn chế.
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đồng bộ và toàn diện hơn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cần phải có sự điều chỉnh, không phải mang tính tình huống mà phải tạo ra thay đổi có tính chất cơ bản trong kết cấu nền nông nghiệp. “Có thể coi đây là một cuộc cải cách mới. Tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển giao ứng dụng khoa học công nghiệp và tổ chức lại sản xuất”, Bộ trưởng nói.
Phương châm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong 2014 – 2015 là: Phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng hiệu quả, phát triển bền vững. Mục tiêu tiếp tục duy trì tăng trưởng ngành ở mức từ 3% trở lên.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, trên cơ sở các đề án của Bộ, các tỉnh lựa chọn ra các lĩnh vực chuyên ngành, sản phẩm cụ thể phù hợp với từng địa phương để tập trung triển khai.
Một lĩnh vực quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh là tập trung đầu tư cho lĩnh vực thủy sản, nhất là hạ tầng cho nghề cá, không chỉ để phục vụ đánh bắt mà còn là giữ vững chủ quyền trên biển. Bộ đang phối hợp với các cơ quan liên quan gấp rút xây dựng Nghị định về Chính sách phát triển thủy sản để trình Chính phủ trong tháng 5/2014.
Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cần chọn một số tỉnh đại diện từng vùng để thực hiện, từ đó giúp có cơ chế giải pháp chung. Trong định hướng chuyển đổi ngành nghề, ngoài các ngành hàng nhỏ, phải tính đến các mặt hàng có lợi thế cho từng vùng để phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng tránh trùng lắp, thừa cung và không đúng tiêu chuẩn cho từng thị trường./.
theo mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn