áng 23/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra công tác sẵn sàng cách ly, điều trị người bị viêm hô hấp cấp do virus nCorona, tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương (xã Kim Chung, huyện Đông Anh).
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã dành toàn bộ khoa cấp cứu cho công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại cuộc giao ban, làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt ra 4 câu hỏi mà người dân đang rất quan tâm lúc này là: Đánh giá mức độ dịch, khả năng lây, cơ chế lây, thời gian ủ bệnh, tỷ lệ tử vong khi nhiễm virus nCorona.
Các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đánh giá về dịch viêm phổi cấp do virus nCorona. Đến hết ngày 22/1, tại Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp nhiễm virus nCorona, 17 người đã tử vong, thường là những người có bệnh cảnh nền làm suy giảm hệ miễn dịch. Số ca nhiễm virus nCorona tăng dần. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 4 địa phương có ca nhiễm tập trung chủ yếu ở Vũ Hán (Hồ Bắc), ngoài ra còn có Thượng Hải, Thâm Quyến (Quảng Đông), Bắc Kinh, một số nước ghi nhận ca nhiễm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ…
Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn cho biết trong các mức độ lây của virus cúm là không lây từ người sang người, lây từ người sang người, hạn chế lây từ người sang người và lây lan diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định virus nCorona có khả năng lây từ người sang người ở mức độ hạn chế. Hiện chưa có khuyến cáo đặc biệt của WHO về sàng lọc thực phẩm, hạn chế đi lại.
“Hiện 4 Văn phòng đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Cơ quan đầu mối quốc gia Điều lệ Y tế quốc tế IHR NFP (Cục Y tế dự phòng) là những đơn vị luôn kết nối thường xuyên với WHO, các cơ quan kiểm dịch có uy tín nhất quốc tế để hỗ trợ, phối hợp, cập nhật tình hình, chỉ đạo kịp thời trong phòng, chống dịch. Đến giờ phút này, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm virus nCorona.”, ông Đặng Quang Tấn cho biết thêm.
Phó Thủ tướng nghe giới thiệu về phòng bệnh cách ly áp lực âm có khả năng cách ly hoàn toàn virus tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát
Về cơ chế lây của virus nCorona, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định: Giống như các dịch cúm gây ra bởi họ virus Corona, một người có thể nhiễm virus nCorona thông qua tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO, virus nCorona lây qua tiếp xúc với dịch nước bọt của người nhiễm, chưa có biểu hiện lây qua không khí như dịch SARS trước đây. Vì vậy, biện pháp phòng dịch lầu tiên khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt là phải đeo khẩu trang.
Thời gian ủ bệnh viêm hô hấp cấp do virus nCorona khoảng từ 7-14 ngày, với các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, khó thở giống các loại cúm thông thường do đó không thể chủ quan.
Sau khi phát bệnh, biểu hiện của người nhiễm virus nCorona được đánh giá nhẹ hơn so với SARS, MERS-CoV. Đến nay tỷ lệ tử vong của dịch viêm phổi cấp do virus nCorona hiện khoảng 3% so với mức 16% của dịch SARS, 30-36% của dịch MERS-CoV. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng và kinh nghiệm điều trị của hệ thống y tế.
Cũng như các dịch cúm khác, hiện nay không có thuốc đặc trị đối với virus nCorona mà các biện pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ hệ miễn dịch, điều trị triệu chứng, cách ly tránh lây nhiễm.
Đến nay, các văn bản hướng dẫn chuyên môn, giám sát, phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus nCorona đã được chuyển về địa phương, đặc biệt tại những tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc. Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra công tác giám sát, phòng, chống dịch ở Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn.
Tương tự như trong phòng, chống dịch SARS, các dịch cúm A trước đây, toàn bộ hệ thống giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, bệnh viện đã được kích hoạt để phát hiện sớm nhất những trường hợp nghi nhiễm. Các viện vệ sinh dịch tễ được yêu cầu tăng cường giám sát dịch tại cộng đồng, phát các tờ rơi, và đưa vào theo dõi mọi trường hợp có biểu hiện sốt, cúm. Các viện vệ sinh dịch tễ ở Việt Nam hiện đều đủ năng lực để xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm virus nCorona.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có phòng xét nghiệm thuộc số 30 cơ sở hiện đại nhất thế giới. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sẵn sàng mức độ cao nhất
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh thông tin thêm về việc bố trí các cơ sở y tế, khoa, phòng, khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCorona với tinh thần “điều trị tại chỗ, hạn chế tối đa việc di chuyển bệnh nhân”. Đối với những ca bệnh nặng, các đội cơ động, ứng phó khẩn cấp với đầy đủ chuyên gia, thiết bị y tế sẽ được điều về tại địa phương. Đây là kinh nghiệm đã được ngành y tế đúc rút từ những đợt phòng, chống dịch trước đây.
“Dù Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nhiễm virus nCorona nhưng thuốc điều trị, trang thiết bị đang chuẩn bị theo tình huống có bệnh nhân và bảo đảm hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong. Chúng tôi đã ban hành phác đồ điều trị sơ bộ và tiếp tục cập nhật, cùng các hướng dẫn, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trên cơ sở kinh nghiệm phòng, chống các dịch bệnh trước đây”, ông Lương Ngọc Khuê cho biết.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng chống dịch viêm hô hấp cấp do virus nCorona, Phó Thủ tướngVũ Đức Đam nhấn mạnh phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu biên giới, đặc biệt từ Trung Quốc. Khi phát hiện người nghi nhiễm, nhiễm virus nCorona phải tiến hành cách ly, xét nghiệm, điều trị kịp thời.
“Quan trọng nhất là Bộ Y tế phải chủ động thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh do virus nCorona ở Việt Nam và trên thế giới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế luôn có chỉ đạo sát sao với các cấp độ cụ thể của dịch và sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Trước đó, ngày 16/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến chỉ đạo về dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc và khả năng lây lan vào Việt Nam.
Trong đó, các bộ ngành, địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào nước ta.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo quy định và theo khuyến cáo của WHO; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát và phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh.
Theo Đình Nam/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn