Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm Công ty Thiên Sinh, doanh nghiệp cung cấp giống rau màu cho nông dân huyện Đơn Dương. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tại huyện Đơn Dương, trồng rau vốn là nghề truyền thống của người dân và nay đang là nền tảng để huyện hoàn thành xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất
Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 17.510 ha, Đơn Dương có đến 52% diện tích để sản xuất rau, còn lại là cây lương thực (22%), cà phê và cây ăn quả (20%) và các cây trồng khác.
Đặc biệt, sản xuất rau theo hướng công nghệ cao ở Đơn Dương đã đạt kết quả ở 3 lĩnh vực- nhận thức của nông dân, giá trị sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất.
Một thuận lợi của Đơn Dương nói riêng, Lâm Đồng nói chung là diện tích bình quân đầu người khá cao (trung bình là 1ha/hộ) , đây là điều kiện tốt cho sản xuất hàng hóa.
Trên đường đi vào các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô, Ka Đơn,… có thể thấy những cánh đồng rau bát ngát, xen lẫn vào đó là những nhà kính rộng hàng ngàn mét vuông trồng hoa chất lượng cao.
Tới thăm mô hình sản xuất cây rau giống của Công ty Thiên Sinh (xã Lạc Lâm) sáng nay 23/3, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng nông thôn mới không khỏi vui mừng trước sự mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất các mặt hàng nông sản như bắp cải, ớt, cà chua, xà lách...
Việc sản xuất cây giống ở đây được công nhân cấy ghép (để cho năng suất cao) và được ươm hoàn toàn trong nhà lưới để tiết kiệm chi phí, tăng khả năng ứng phó với bệnh tật trên cây. Khi cây nẩy mầm, Công ty Thiên Sinh cung ứng giống cho nông dân trong vùng, đồng thời hỗ trợ vật tư, phân bón. Một doanh nghiệp khác đứng ra bao tiêu sản phẩm rau, củ để nông dân yên tâm sản xuất.
Nông dân ở Đơn Dương cũng chủ động đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu bằng vốn tự có. Từ năm 2010 đến nay, nông dân đã đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng (trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng là vốn tự có) để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, tỷ trọng sản lượng rau sản xuất ở Đơn Dương chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng rau của toàn tỉnh. Trồng rau mang lại giá trị cao hơn cho người dân Đơn Dương so với các loại cây trái khác. Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tính bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi, đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm ((1 ha trồng ớt ở Lạc Lâm cho doanh thu tới 1,7 tỷ đồng/năm)
Cùng với trồng rau, mô hình nuôi bò sữa cung cấp “đầu vào” cho Công ty Sữa Đà Lạt và Vinamilk cũng phát triển ổn định ở các xã Tu Tra và Quảng Lập (nơi có điều kiện tốt trồng cỏ để nuôi bò sữa), giúp dân giàu lên trông thấy.
Vườn ớt (lấy giống từ Công ty Thiên Sinh) rộng 6 sào của gia đình ông Nguyễn Văn Dinh (xã Lạc Lâm) cho giá trị hơn 1 tỷ đồng/năm. Ớt được 1 doanh nghiệp bao tiêu và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Singapore. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Tại thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra), 2 vợ chồng nông dân Bùi Đăng Sơn nuôi 13 con bò sữa (trong đó có 8 con đang cho sữa) có thu nhập bình quân mỗi tháng 41 triệu đồng. Bằng việc nuôi bò sữa mà hộ gia đình của anh Sơn cũng như hàng trăm hộ gia đình nuôi bò sữa ở Đơn Dương đã thoát nghèo từ 10 năm nay và trở nên khá giả.
Khi nông dân có tiềm lực tài chính, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương thì việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trở nên thiết thực và nhanh hơn. Toàn huyện đã có 2 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, trung bình là 15- 16 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Năm 2014, Đơn Dương sẽ có thêm 2 xã đạt 19 tiêu chí và phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt huyện nông thôn mới.
Nông dân tự giác vào cuộc
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện nông thôn mới ở Đơn Dương, Bí thư Huyện ủy Thái On cho biết điều quan trọng nhất là sự thống nhất trong quan điểm và cách thực hiện ở các cấp chính quyền. “Nếu cán bộ không hiểu đường lối, chủ trương thì có tình trạng mỗi nơi nói một kiểu về nông thôn mới khiến người dân không hiểu rõ thì sẽ không làm được”, ông Thái On cho hay.
Đồng tình với cách tiếp cận của cấp ủy, chính quyền huyện Đơn Dương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh công tác tư tưởng về xây dựng nông thôn mới rất quan trọng, phải nói đúng, nói rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước để người dân tự giác vào cuộc, nếu không sẽ không xây dựng được nông thôn mới.
Cùng với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đi thăm từng cơ sở sản xuất của hộ nông dân hay các công ty nông nghiệp do nông dân thành lập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh luôn lưu ý đến việc lập quy hoạch sản xuất gắn các xã, các huyện lại với nhau, thậm chí là gắn kết giữa các vùng trong cả nước để đảm bảo cân đối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp, mang thu nhập ổn định cho nông dân.
Nhờ nuôi bò sữa, gia đình anh Bùi Đăng Sơn (xã Tu Tra) đã thoát nghèo 10 năm nay và vừa xây được một cơ ngơi khang trang. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, bám sát hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, hộ nông dân để tháo gỡ kịp thời khó khăn về vốn, về cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị huyện Đơn Dương quan tâm xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường để bà con có thể thụ hưởng tốt nhất những thành quả từ chính sức lao động của mình trên chính quê hương mình.
Thành Chung
Nguồn baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn