Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan khu trưng bày nông sản.
Tham dự các hoạt động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang và đông đảo người dân của tỉnh Hà Tĩnh.
Tại lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Can Lộc diễn ra vào tối 21/12, các đại biểu đã ôn lại lịch sử anh hùng của địa phương. Theo đó, Can Lộc thuộc huyện Hà Hoàng, quận Cửu Chân, sau nhiều lần thay đổi tên gọi năm 1469, vua Lê Thánh Tông ban Đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, trong đó vùng đất này được đổi tên thành huyện Thiên Lộc. Năm 1862, vua Tự Đức lại cho đổi thành huyện Can Lộc.
Những năm đầu thế kỷ XX là những năm sôi nổi mãnh liệt nhất của người dân Can Lộc, đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là bản hùng ca về tinh thần bất khuất của người dân Can Lộc anh hùng.
Tiết mục văn nghệ tái hiện truyền thống bất khuất của mảnh đất Can Lộc anh hùng. |
Phát huy truyền thống của quê hương, từ một huyện thuần nông, Can Lộc đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển thương mại, dịch vụ. Huyện đã sớm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với những bước đi cụ thể, sáng tạo như xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho nhân dân, thực hiện chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất…
Tính đến cuối năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt gần 4.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt gần 300 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, trụ sở, nhà văn hóa cơ bản khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Các khu du lịch chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc trở thành các trọng điểm du lịch của tỉnh. Lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chăm lo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được tăng cường vững mạnh. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được hơn 16.000 tỷ đồng, hàng triệu ngày công, vận động trên 11.000 hộ hiến hàng trăm ngàn m2 đất mở mang đường làng, ngõ xóm.
Toàn huyện đã thành lập được gần 900 mô hình sản xuất cho thu nhập cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt hơn 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,6%; 21/21 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thị trấn Đồng Lộc đạt đô thị loại V, thị trấn Nghèn là thị trấn đầu tiên của tỉnh đang được đề nghị công nhận đô thị loại IV.
Can Lộc về đích nông thôn mới trước thời hạn 1 năm. |
Ngày 17/10/2019, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-TTg công nhận huyện Can Lộc đạt chuẩn nông thôn mới, trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Còn tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ 3 đã hội tụ các đặc sản như: Cam Khe Mây, Vũ Quang, Thượng Lộc; Cam bù Hương Sơn; Bưởi Phúc Trạch; nhung hươu và các sản phẩm từ nhung hươu; kẹo cu đơ; nem chua; thủy hải sản, nước mắm truyền thống Cẩm Nhượng, Thạch Kim, Kỳ Ninh...
Hiện nay, diện tích cam, bưởi đã đạt đến trên 10.700ha. Trong đó, cam khoảng 7.100ha, bưởi khoảng 3.600ha. Sản lượng đạt khoảng 60 ngàn tấn/năm; hơn 70 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, ngày càng mang lại thu nhập lớn cho người dân cho nhiều địa phương trong tỉnh.
Hội tụ các đặc sản nông nghiệp Hà Tĩnh. |
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ Lễ hội phát huy hiệu quả và những hiệu ứng tích cực của Lễ hội năm 2017 và năm 2018, là cầu nối giữa người sản xuất với tiêu dùng. Qua lễ hội, các nhà sản xuất và các nhà phân phối lớn, các siêu thị, các đại lý trong tỉnh, trong nước sẽ bắt tay hợp tác liên kết, liên doanh để tăng năng lực sản xuất, thiết lập thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Lễ hội có sự tham gia của 69 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ có mô hình trang trại lớn với 88 gian hàng, trong đó có 48 gian hàng cam, bưởi, hoa quả và 40 gian hàng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp... kéo dài tới hết ngày 23/12 tại Trung tâm thành phố.
Thành Chung/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn