Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, đây là mô hình ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt có “4 không”: không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho vật nuôi. Mô hình này được phát triển trên cơ sơ học tập kinh nghiệm nuôi heo trên thảm sinh học đã thành công tại Hà Nam. Tuy nhiên, mô hình tại Hà Nam sử dụng mùn cưa còn mô hình tại Hậu Giang đang sử dụng thử nghiệm bã mía để lót chuồng và bước đầu cho hiệu quả rất khả quan.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm quan mô hình chăn nuôi heo
Kết quả thí điểm cho thấy khi nuôi heo trên nền đệm lót, heo tăng trọng nhanh hơn 19,2% và lượng thức ăn giảm 11,6% so với nuôi theo cách truyền thống. Tổng chi phí làm đệm lót cho chuồng có diện tích 20m2 gần 15 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với làm nền chuồng bằng ximăng như kiểu nuôi truyền thống. Ngoài ra, nuôi heo theo mô hình này còn không tốn điện, giảm được 80% lượng nước sử dụng do không phải tắm heo hoặc dội rửa chuồng trại, công lao động cũng giảm được 60%. Đặc biệt, mô hình này không gây ô nhiễm môi trường, đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả cao, rất dễ nhân rộng.
Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khen ngợi và chúc mừng Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã tìm ra một loại nguyên liệu vốn rất dồi dào trên địa bàn để thay thế cho mùn cưa. Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thêm trong mùa mưa tới.
Dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang quan tâm, theo dõi và phát triển mô hình thực nghiệm này, hướng tới nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đây chính là những ứng dụng từ khoa học thiết thực, góp phần trực tiếp vào đổi mới cách chăn nuôi truyền thống, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Trong quá trình khuyến khích nhân rộng mô hình, UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ 50% chi phí làm chuồng cho những hộ áp dụng nuôi lần đầu.
Theo CATPHCM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn