Bà Phạm Thị Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Phú cho biết: Trong thời gian qua, xã đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có sự liên kết theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Xã đã tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất giảm các chi phí, sức lao động nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Hiện, xã đã hình thành các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, con giống gia cầm, phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng. Đặc biệt, xã có cơ sở sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn của Kubota Việt Nam, từ đó, đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất, bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng. Việc thực hiện cơ giới hóa đã góp phần không nhỏ làm tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 45,1 triệu đồng/người/năm.
Ngoài phát triển trồng trọt, xã còn khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn, xã có 172 mẫu ruộng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thả cá kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm và trồng cây ăn quả cung cấp sản phẩm cho thị trường, mang lại thu nhập cao, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Trong những năm qua, xã đã đầu tư 95 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng. Riêng năm 2018 và năm 2019, UBND xã đã đầu tư xây dựng 12 dự án gồm: Đường làng, ngõ xóm, đường giao thông thủy lợi nội đồng,... Hiện, xã đang tiếp nhận 3 dự án cải tạo nâng cấp trường THCS, tiểu học, đường giao thông liên thôn Thụy Phú - Đại Gia, nhà văn hóa thôn Đại Gia.
Đường giao thông nông thôn xã Tri Thủy
* Tại xã Tri Thủy, để xây dựng thành công NTM, xã đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới có chiều hướng giảm. Xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, tập trung vào khu vực chăn nuôi tập trung tại thôn Nhân Sơn, Tri Thủy; chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả tại thôn Bái Đô, Nhân Sơn, Tri Thủy sang mô hình VAC cho hiệu quả kinh tế cao hơn, mô hình trồng bưởi Diễn, hồng xiêm.
Xã còn tập trung phát triển ngành nghề giết mổ gia súc ở thôn Bái Đô; Thực hiện kiểm tra thường xuyên hoạt động giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hộ giết mổ và các chợ trên địa bàn xã.
Xã Tri Thủy là địa phương có tốc độ phát triển chăn nuôi nhanh. Hiện nay, có khoảng gần 5.000 gia súc, gần 100.000 gia cầm, mang lại thu nhập 34,5 tỷ đồng. Ngoài chăn nuôi, xã cũng tập trung phát triển các ngành nghề khác nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2019, xã đã mở 43 lớp dạy nghề cho 1.550 hội viên các hội, các ngành nghề chủ yếu như mộc, may mặc, gò hàn, mây tre đan...
Riêng trong xây dựng NTM, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, xã đã đầu tư 289 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 109 tỷ đồng. Hiện nay, đời sống người dân được nâng cao, 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện sinh hoạt an toàn. Xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Nhiều công trình tại xã Đại Xuyên được đầu tư xây dựng
* Tại xã Đại Xuyên, là xã ngoại thành phía Nam Hà Nội, có tuyến đường Quốc hộ 1A, 2 tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy qua. Xã có 6 thôn và 1 khu dân cư với 3.127 hộ, 10.658 nhân khẩu.
Trong 9 năm qua, xã đã đầu tư 206 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp 56 tỷ đồng. Nhiều công trình đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm đầu tư. Đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa 6/6 km, đạt 100%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; đường ngõ xóm cứng hóa sạch và không lầy lội vào mua mưa với tổng chiều dài 14km.
Tổ công tác làm việc tại xã Hoàng Long
* Tại xã Hoàng Long, do chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền nên phong trào xây dựng NTM của xã đã nhận được sự vào cuộc tích cực, sự chung sức đồng lòng của cán bộ, nhân dân. Xác định rõ vai trò chủ thể của mình, nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức bê tông, cứng hóa đường giao thông nông thôn thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình văn hóa, trùng tu, sửa chữa các công trình tâm linh. Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM hàng trăm tỷ đồng. Qua xây dựng, NTM đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
* Đối với xã Phượng Dực, để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, xã đã dồn điền đổi thửa được 447ha tại 3 thôn. Toàn xã lập được 306 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, với diện tích 151ha cho 1000 hộ dân. Trong đó, UBND huyện đã phê duyệt được 48 dự án, diện tích là 20ha cho 115 hộ dân. Diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy sản kết hợp lúa cá vịt, trồng cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư mang lại hiệu quả trên 220 triệu đồng/ha.
Tổ công tác đi thăm một số mô hình kinh tế trang trại tại xã Phượng Dực
Các mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại xứ Đồng Ông 1, thôn Phượng Vũ với 7 mẫu, năng suất lúa đạt 240kg/sào. Xã Phượng Dực có 1 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống là làng nghề Tò he Xuân La, sản phẩm tò he của thôn Xuân La mang nhiều nét giá trị văn hóa dân tộc, có mặt trên khắp mọi miền của tổ quốc. Đến nay, thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp xây dựng của xã chiếm 78,5% cơ cấu kinh tế của xã, đạt thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm.
Đến năm 2019, xã có 21 hộ thoát nghèo, tỷ lệ nghèo còn 0,88%, tỷ lệ hộ nông dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88%. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư. Cả 3 thôn đều có nhà văn hóa, khu vui chơi, sân thể thao đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa.
Kết quả thẩm định cho thấy xã Thụy Phú đạt 96,85 điểm; xã Tri Thủy đạt 96 điểm; xã Đại Xuyên 96,6 điểm; xã Hoàng Long đạt 96,55; xã Phượng Dực 97,5 điểm.
Tuy nhiên, theo các thành viên trong đoàn thẩm định, để có số điểm chính xác, các xã cần phối hợp với các đơn vị của huyện hoàn thiện thêm các nội dung trong tiêu chí NTM, trong đó, cần hoàn thiện hồ sơ báo cáo đảm bảo đúng theo quy định về thực hiện các tiêu chí.
Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội Hoàng Thị Huyền đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều xã xa trung tâm huyện, xuất phát điểm thấp, tuy nhiên, các xã đã tích cực thực hiện các tiêu chí đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nhiều công trình phục vụ đời sống được xây dựng khang trang, quan tâm đến vấn đề dân sinh bức xúc, tạo môi trường sống văn minh cho nhân dân.
Đại diện đoàn thẩm định cũng đề nghị các xã cần quan tâm đến hoàn thiện các tiêu chí như: Môi trường, tiêu chí an toàn thực phẩm, tiêu chí về giao thông..., còn một số chỉ tiêu nhỏ cần tiếp tục hoàn thiện để đạt được điểm tối đa.