Khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Phú Yên chỉ có 8/19 tiêu chí đạt chuẩn. Đến năm 2017, sau 5 năm triển khai với những nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ và Nhân dân, xã đã đạt 19 tiêu chí.
Để thực hiện tốt Chương trình 04-CTr/HU ngày 8/1/2016 của Huyện ủy Phú Xuyên về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2015 - 2020”, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã Phú Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách khoa học, đồng bộ.
Trường Mầm Non Phú Yên được đầu tư xây dựng mới với hàng chục tỉ đồng để phục vụ các em học sinh. |
Trong công việc, mỗi tập thể, cán bộ xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó cấp ủy Đảng giữ vai trò lãnh đạo, chính quyền điều hành, Nhân dân là chủ thể thực hiện được trực tiếp hưởng lợi từ thành quả. Suốt quá trình triển khai công việc, Đảng ủy xã có nghị quyết lãnh đạo thực hiện, cùng với đó thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách cho từng thành viên một cách cụ thể, chi tiết. Sau khi Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM và tổ công tác được thành lập đã tiến hành điều tra, tập hợp số liệu tình hình kinh tế - xã hội, hiện trạng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở lập quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ. Sau đó, mới triển khai từng bước tuyên truyền, họp dân.
Chủ tịch UBND xã Phú Yên Dương Minh Tuấn cho biết, hàng tháng địa phương duy trì lịch họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo và 4 tiểu ban ở các thôn, thường xuyên quán triệt tới ban, ngành, đoàn thể bám sát tình hình thực tế của địa phương để tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng NTM, xác định rõ việc nào làm trước, làm sau. Bên cạnh công tác điều hành và tuyên truyền, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã vận dụng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng NTM. Nhờ có cách làm khoa học, bài bản nên đã được người dân đồng tình, hưởng ứng. Cùng với đó, do có sự giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý công trình xây dựng kết hợp với Ban Giám sát cộng đồng nên các công trình đường giao thông ở 4 thôn, trường học, nhà văn hóa được xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
“Nhờ có sự nỗ lực và cố gắng, những năm gần đây, ngành nghề sản xuất giày da, may mặc của địa phương ngày càng phát triển đã giải quyết việc làm ở ngay tại địa phương và tạo thu nhập cho hàng nghìn lao động của 1.730 hộ dân 4 thôn. Thu nhập bình quân của xã đạt 42,1 triệu đồng/người/năm (đứng ở top đầu của huyện về thu nhập), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,52%, tỷ lệ hộ giàu, khá chiếm đa số” - ông Tuấn chia sẻ.