Từ một hướng đi đúng...
Năm 2012, Phúc Thọ bắt tay vào xây dựng NTM, đây là thời điểm được coi là khá muộn so với nhiều huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Nhất là vấn đề vốn để Phúc Thọ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM lại không nhiều nếu như không muốn nói là tương đối thấp do là huyện thuần nông. Chưa kể trong quy hoạch của thành phố, Phúc Thọ sẽ phát triển theo hướng “vành đai xanh” cho nên nếu không có những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, con đường cán đích NTM của huyện sẽ không thể trở thành hiện thực.
Nhớ lại những ngày đầu xây dựng NTM, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Mạnh Phú chia sẻ: Ở Phúc Thọ, cái khó trong xây dựng NTM chính là kinh phí đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cứng hóa đường và hệ thống kênh, mương. Đây là những tiêu chí cơ bản trong 19 tiêu chí xây dựng NTM và với Phúc Thọ đã trở thành ưu tiên số một nhằm tạo động lực phát triển kinh tế trong toàn vùng.
Chính vì vậy, sáng kiến làm NTM theo kiểu con nhà nghèo đã được hình thành. Không nóng vội, làm đến đâu, chắc đến đó và phải đầu tư “từ ruộng” để người nông dân được hưởng lợi đã trở thành quyết tâm xuyên suốt quá trình lãnh đạo và được thể hiện rất rõ trong các văn bản, nghị quyết của Huyện ủy. Nổi bật nhất là Chương trình 03 xác định rõ “chuyển nhanh cơ cấu kinh tế, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ KHKT-CN vào sản xuất, tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng huyện NTM”, bên cạnh đó là Quyết định 403 về kiện toàn Ban Chỉ đạo “phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban.
...Đến những quả ngọt xây dựng NTM
Nhờ xây dựng những lộ trình cụ thể, cho nên sau 5 năm thực hiện, Phúc Thọ đã huy động và giải ngân thành công cho NTM lũy kế đến hết năm 2014 đạt hơn 539 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của trung ương và thành phố là hơn 186 tỷ đồng, ngân sách huyện là 137 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn huy động người dân, doanh nghiệp đóng góp đạt hơn 157 tỷ đồng. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2016, huyện đã huy động được 1,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách huyện hơn 165 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 100 triệu đồng bằng ngày công lao động, đất đai. Đáng chú ý có những hộ dân hiến hàng chục mét vuông đất ở để làm nhà văn hóa, trường học và làm đường.
Đặc biệt, sau công tác dồn điền đổi thửa, nhiều vùng rau chuyên canh được hình thành và phát triển như rau an toàn hơn 5.000 ha tại Thanh Đa, Võng Xuyên, giá trị từ 700 đến 900 triệu đồng/ha/năm; lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích hơn 20 nghìn ha; mô hình trồng hoa ly cho thu nhập từ 6 đến 6,4 tỷ đồng/ha/vụ, thu lãi từ 800 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân từ 10,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên hơn 25,2 triệu đồng/người/năm (năm 2014).
Ông Nguyễn Văn Tâm, một nông dân vùng rau an toàn xã Thanh Đa không giấu được niềm vui cho chúng tôi biết, sản phẩm rau an toàn của xã được thị trường Thủ đô chấp nhận, cho thu nhập ổn định. Được biết, huyện đã lập đề án mời Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư chăn nuôi, sản xuất rau an toàn theo công nghệ I-xra-en rộng 40 ha. Khu sản xuất tập trung sẽ giúp nông dân ổn định sản xuất, ổn định đầu ra và nhất là được tiếp cận và làm chủ kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi tiên tiến.
Ngoài mời gọi doanh nghiệp đầu tư vùng rau an toàn, huyện còn thành công khi mời gọi Công ty TNHH Ba Vân - Sài Gòn xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm sạch công nghệ châu Âu, và nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào Phúc Thọ tạo cơ hội thoát nghèo và góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa thành thị và nông thôn.
Thu nhập tăng cao, người dân yên tâm sản xuất đã tạo động lực để Phúc Thọ thực hiện xây dựng NTM. Nếu như nhiều huyện, thị xã của Hà Nội gặp khó khăn về tiêu chí môi trường, về nợ đọng xây dựng cơ bản thì với Phúc Thọ những khó khăn này hầu như không có. Các dự án xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trụ sở, nhà văn hóa xã, thôn, xây mới và nâng cấp trạm y tế, xây dựng bãi tập kết, trung chuyển rác thải, kiên cố hóa kênh mương… đều được làm có trình tự, khoa học. Chưa kể nhiều địa phương ngoài xây dựng nhà văn hóa còn có thêm nhà cộng đồng để các tổ chức đoàn thể hội họp, vui chơi. Hiện tại, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.
Năm 2016, huyện Phúc Thọ phấn đấu có thêm ba xã đạt chuẩn NTM. Quyết tâm này được lãnh đạo huyện khẳng định nằm trong tầm tay bởi nội lực đã có, lòng dân đã đồng thuận, vấn đề còn lại là thời gian. Song với những gì được mắt thấy, tai nghe thì chúng tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, Phúc Thọ sẽ còn tiến xa hơn không chỉ là một trong năm huyện dẫn đầu thành phố về phong trào xây dựng NTM mà sẽ cán đích huyện NTM cấp độ 2. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đó, huyện dự kiến nhu cầu vốn ưu tiên trước mắt cho ba xã đầu tư các công trình hạ tầng là không hề nhỏ, trong khi đó thành phố mới chỉ cấp kinh phí cho một xã, hai xã còn lại vẫn đang trong quá trình tự thân vận động dưới sự hỗ trợ của huyện. Chính vì vậy, nguồn kinh phí của thành phố lúc này là rất cần thiết, góp phần tạo động lực để người dân từ tin và yêu đến quyết tâm xây dựng, giữ vững danh hiệu NTM.