Trồng rau trong nhà màng cho thu nhập cao tại xã Vân Phúc.
Ông Hoàng Mạnh Phú, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho biết, sau khi được TP. Hà Nội thẩm định và công nhận 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt được, đặc biệt là tiêu chí quy hoạch, văn hoá, thu nhập, an ninh trật tự. 17 xã đạt chuẩn đều có từ 17-19 tiêu chí đạt chuẩn trở lên. Trong đó, các tiêu chí chưa đạt được nằm trong nhóm tiêu chí cần nhiều kinh phí thực hiện như cơ sở vật chất văn hoá, tiêu chí trường học và môi trường.
Phúc Thọ có 22/22 xã đạt tiêu chí về giao thông, điện, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hoá…; 17/22 xã đạt tiêu chí về thuỷ lợi; 17/22 xã đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, mới có 2/22 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá là Tích Giang, Võng Xuyên; 7/22 xã đạt có cả 3 cấp trường đạt chuẩn.
Đối với 3 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 (Tam Thuấn, Long Xuyên và Liên Hiệp), Phúc Thọ tiến hành rà soát, đánh giá kỹ từng tiêu chí, xác định các dự án thành phần cần thực hiện để bảo đảm hoàn thành kế hoạch. Ở cả 3 xã, tiêu chí cần hoàn thành để đạt chuẩn đều liên quan đến trường học, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá và môi trường.
Khó khăn nhất khi xây dựng nông thôn mới tại Phúc Thọ là nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong tổng số hơn 1,2 nghìn tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, có tới hơn 200 tỷ đồng là do nhân dân đóng góp, song huyện xác định không thể huy động quá sức dân, đồng thời cũng không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ dẫn chứng, mỗi xã có 50km kênh mương thủy lợi nội đồng, nhân lên toàn huyện là trên 1.000 km, để cứng hóa hết cần trên 1 nghìn tỷ đồng, điều này quá sức so với huyện ngoại thành.
Song Phúc Thọ xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những tuyến kênh mương chính để kiên cố hóa trước; còn đường giao thông nội đồng tạm thời cứng hóa…, có hạ tầng tốt, điện, nước ra đến cánh đồng cũng là tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập bền vững.
Để hoàn thành kế hoạch về nông thôn mới, Phúc Thọ đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, văn hoá, nước sạch, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân bảo đảm thu nhập, huyện chỉ đạo phát triển gần 2.000ha vùng lúa chất lượng cao, gần 500ha rau an toàn; gần 300ha bưởi (Cục Sở hữu trí tuệ vừa công nhận nhãn hiệu tập thể bưởi Phúc Thọ). Gần đây, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng, giống, vốn để đẩy mạnh trồng hoa, cây cảnh tại hai xã Tam Thuấn và Tích Giang.
Riêng đối với công tác dồn điền đổi thửa, ông Phú cho biết, Phúc Thọ đã hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành vùng lúa chất lượng cao đạt 1.668 ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng thêm 10 - 20 triệu đồng/ha/vụ so với lúa thường; việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh cho khâu thu hoạch, cấy lúa bằng máy…
Sau dồn điền đổi thửa, Phúc Thọ đã triển khai đo đất nông nghiệp ở 15 xã với diện tích trên 3.100ha, trong đó cơ bản xong tại 10 xã với diện tích trên 2.400ha. Huyện sẽ tiến hành nghiệm thu bản đồ đối với các xã đã hoàn thành đo đạc.
Huyện sẽ giám sát chặt chẽ việc xây dựng các dự án thành phần để bảo đảm tiến độ của 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2016. Trước tháng 9/2016, Phúc Thọ sẽ tổ chức lấy kiến và tiếp thu ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn để thông qua và đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Phú, năm 2017, Phúc Thọ phấn đấu 2 xã còn lại là Xuân Phú và Thượng Cốc đạt chuẩn nông thôn mới, để huyện được công nhận nông thôn mới. Ở 2 xã này, các tiêu chí cần phải hoàn thành cũng liên quan đến môi trường, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá và trường học.
Theo: Gia Hân - Lam Giang/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn