Đó là khẳng định của ông Dương Sà Kha - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Sóc Trăng với báo Đại đoàn kết.
PV: Thưa ông, CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như thế nào?
Ông Dương Sà Kha: Đối với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, UBMTTQ tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành rà soát và ký kết liên tịch với UBND tỉnh đồng thời giao nhiệm vụ cho từng tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện.
Ông Dương Sà Kha, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Sóc Trăng.
Trong đó, Mặt trận tỉnh đặc biệt lưu ý khi triển khai tới cấp cơ sở, địa bàn dân cư phải đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt hiệu quả cao.
Mặt trận đặc biệt lưu tâm tới đối tượng là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để cùng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ.
Có thể nói, thông qua CVĐ tỉnh Sóc Trăng cố gắng làm cho đời sống, thu nhập của người dân được nâng lên đồng thời tập trung làm tốt 5 nội dung trọng tâm của CVĐ đó là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả các danh hiệu về văn hóa; tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm; xây dựng mô hình điểm theo từng nội dung của CVĐ; kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện CVĐ; sơ kết, tổng kết, biểu dương và tổ chức khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu.
CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là CVĐ mới với nhiều nội dung mới. Vậy Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đón nhận và triển khai được đến đâu thưa ông?
- Đúng vậy, đây là CVĐ mới do UBTƯ MTTQ Việt Nam mới phát động. Tuy nhiên, nếu quy chiếu theo một số tiêu chí thì CVĐ này bao hàm nhiều nội dung mà Mặt trận tỉnh Sóc Trăng đã làm được trước đó.
Đó là những nội dung liên quan đến xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh việc kí kết triển khai thực hiện với UBND tỉnh, tại cấp cơ sở, chúng tôi cũng đang hướng dẫn để tiến hành kí kết, phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp cùng thực hiện.
Hiện nay, theo đánh giá của MTTQ tỉnh, đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở cũng đã nhận thức đầy đủ về CVĐ này. Họ cho rằng, đây là CVĐ rất quan trọng vì liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân và không ai khác chính người dân là chủ thể thực hiện, người được hưởng lợi từ CVĐ này.
Nhờ có sự triển khai quyết liệt đó mà nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có bước chuyển biến mạnh mẽ, người dân cũng chủ động hơn khi thực hiện việc này. Từ đây, các phong trào, các CVĐ do Mặt trận phát động đã bén rễ, ăn sâu trong các tầng lớp nhân dân hơn.
Vậy theo ông, kết quả nổi bật của năm 2016 trong xây dựng NTM, đô thị văn minh của tỉnh Sóc Trăng là gì?
- Trong năm 2016, tổng nguồn vốn huy động được khi thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt 2.092 tỉ đồng. Tỉnh cũng đã công nhận 2 xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) và Ngọc Đông (huyện Mỹ Xuyên) đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM của tỉnh lên 21 xã.
Đường nông thôn mới ở Sóc Trăng.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 04, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87 về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Đây được xem là kim chỉ nam để các ngành, các cấp và địa phương triển khai hiệu quả chương trình.
Nhiều người cho rằng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” có nhiều nội dung rất khó thực hiện. Đối với cấp cơ sở, trong quá trình thực hiện khó khăn gặp phải lớn nhất là gì, thưa ông?
- Mặc dù quyết tâm thực hiện nhưng qua thực tế làm việc chúng tôi nhận thấy CVĐ này có quá nhiều tiêu chí. Với những tiêu chí không mất quá nhiều kinh phí chúng tôi ưu tiên thực hiện trước.
Tiêu chí nào đòi hỏi nguồn lực lớn sẽ thực hiện sau. Đối với những tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Điện, đường, trường, trạm…cần nhiều kinh phí, bên cạnh nguồn kinh phí từ Nhà nước hỗ trợ, tỉnh Sóc Trăng còn phải huy động sự đóng góp của nhân dân và các mạnh thường quân.
Tuy nhiên, do Sóc Trăng là tỉnh nghèo nên nguồn lực huy động được chưa lớn khiến cho việc vận hành để đảm bảo đầy đủ các tiêu chí phần nào khó thực hiện.
Hơn nữa, năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện của giai đoạn 2016-2020, nhiều quy định của Trung ương thay đổi, nhiều văn bản chậm ban hành cũng gây ra những khó khăn nhất định cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều người hiểu rất máy móc, xây dựng NTM tức là chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng chứ ít quan tâm đến việc thay đổi nhận thức thật sự của người dân. Việc này có đang xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng không thưa ông?
- Đúng vậy, việc này rất khó tránh khỏi khi xây dựng NTM trên diện rộng. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động ý thức người dân cũng dần thay đổi.
Điển hình như tại nhiều địa phương, người dân đã chủ động xây dựng hàng rào cây xanh thay vì xây tường gạch, bà con nhân dân cũng chủ động xây dựng các điểm thu gom rác thải tập trung, hố chôn rác thải hợp vệ sinh…
Trong thời gian tới, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể sẽ tiếp tục tuyên truyền để xây dựng các mô hình điểm để làm sao các tiêu chí trong xây dựng NTM tỉnh Sóc Trăng ngày càng hiệu quả và đi vào cuộc sống hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong năm 2016, toàn tỉnh Sóc Trăng huy động được 2.071 tỷ đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chiếm tỷ lệ 8%; vốn lồng ghép 23%; vốn tín dụng 48%, còn lại là vốn đóng góp của cộng đồng. Tính đến cuối tháng 11/2016, toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với các xã còn lại, có 23 xã đạt 15 tiêu chí trở lên, trong đó có 3 xã đạt 18 tiêu chí. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn