Hết rồi những cây “cầu khỉ”
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lương Bằng Thiên, Bí thư Huyện uỷ Phụng Hiệp rất tâm đắc với những thành quả mà huyện đạt được trong quá trình XDNTM. Không tâm đắc sao được khi thành quả ấy có được từ chính sức dân, từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân. “Nếu nhà báo có dịp về Long Thạnh hay Bình Thành sẽ thấy vai trò vô cùng quan trọng của người dân trong công cuộc XDNTM. Nếu không có sự chung tay góp sức của người dân thì các địa phương không thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn như vậy”, ông Thiên nói.
Về Long Thạnh, điều chúng tôi ấn tượng nhất là trên địa bàn xã không còn “cầu khỉ”, cầu ván tạm bợ mà thay vào đó là cầu bê-tông kiên cố. Điều đáng ghi nhận là tất cả những công trình hạ tầng của xã đều có sự đóng góp của nhân dân, trong đó có một công trình được xem là “kỳ tích” khi chính quyền địa phương vận động người dân góp kinh phí gần 300 triệu đồng để nạo vét kênh nội đồng và đắp đê tuyến kênh ở ấp Long Hòa B - Long Trường 1 và Long Sơn 1.
Ông Thiên cho rằng, khi bắt tay XDNTM, Phụng Hiệp gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại do tiềm lực kinh tế của huyện còn hạn chế, cuộc sống của người dân còn vất vả nên việc huy động sự đóng góp của bà con sẽ không dễ dàng. Chính vì vậy, huyện xác định phải thực hiện XDNTM một cách chắc chắn, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, Theo đó, huyện sớm hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng, phát triển vùng sản xuất cho các xã XDNTM trên địa bàn. Trong quá trình lập đề án quy hoạch, Phụng Hiệp chú trọng đến quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi, thủy sản…, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa có quy mô và sản lượng lớn. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm cũng được địa phương quan tâm đầu tư. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến thời điểm này, các tuyến đường giao thông nông thôn của huyện cơ bản được bê-tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng trong hai mùa mưa nắng. Những cây cầu tre trước đây giờ đã được thay bằng cầu bê - tông kiên cố.
Ông Thiên cho biết thêm, một trong những phương pháp giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí XDNTM thời gian qua là, Ban chỉ đạo huyện huy động các nguồn vốn, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đóng trên địa bàn ủng hộ bằng tiền mặt, vật liệu và các trang thiết bị, máy móc để giúp các xã từng bước hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Trong tổng số nguồn vốn trên 212 tỷ đồng đầu tư XDNTM của huyện từ khi thực hiện đến nay thì số tiền người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp đạt gần 36 tỉ đồng. Trong năm 2012, huyện đã xây dựng được 340.650m2 lộ giao thông; 28 cây cầu bê-tông; duy tu, sửa chữa 61.900m2 lộ nông thôn; nạo vét 34 công trình thuỷ lợi dài 75.355m, khối lượng tương đương 696.073m3, phục vụ tưới tiêu cho 8.610ha đất nông nghiệp. Hiện, xã điểm Thạnh Hoà đã đạt 12/19 tiêu chí NTM, Phương Bình đạt 6/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 4 – 5 tiêu chí. “Có thể các địa phương chưa đạt được nhiều tiêu chí nhưng tôi cho rằng, XDNTM là quá trình lâu dài, đạt được thành quả đã khó, giữ cho thành quả ấy bền vững còn khó hơn, vì vậy chúng tôi xác định phải làm chắc chắn từng tiêu chí một, không chạy theo phong trào, thành tích, mục đích cuối cùng là làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn”, ông Thiên nói.
Niềm vui mới
Tiếp tục chia sẻ với chúng tôi những thành quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, ông Thiên cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng giảm bất thường, dịch bệnh bùng phát nhưng Phụng Hiệp vẫn gặt hái được nhiều thành công với mục tiêu chung là tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, XDNTM gắn với thương mại, dịch vụ.
Mía là một trong những cây trồng chủ lực ở Phụng Hiệp. |
Lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế huyện Phụng Hiệp với tổng giá trị sản lượng năm 2012 đạt 3.469 tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2011. Diện tích lúa đạt 51.017ha, năng suất bình quân 6,02 tấn/ha, sản lượng 307.039 tấn, vượt 4,87% so với chỉ tiêu đề ra. Phụng Hiệp vẫn giữ vững vị thế là một trong những “vựa” mía của tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 9.037ha, tăng 244ha so với năm 2011, năng suất 105 tấn/ha, sản lượng 994.125 tấn. Điều đáng ghi nhận là, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã do nông dân tự nguyện thành lập nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đơn cử như câu lạc bộ trồng mía liên xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng với diện tích khoảng 60ha, năng suất trên 200 tấn/ha. Hiện, toàn huyện có 9 hợp tác xã nông nghiệp, 26 câu lạc bộ sản xuất và 656 tổ hợp tác kinh tế trong nông nghiệp. Các câu lạc bộ, tổ hợp tác này đã làm khá tốt khâu bơm thoát nước, chủ động thời vụ sản xuất, cũng là những đơn vị tiên phong trong phong trào sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phong trào cải tạo vườn cây ăn trái tiếp tục được người dân thực hiện rầm rộ, trong năm qua, huyện đã trồng mới được 97ha (chủ yếu là cam, quýt, bưởi, sầu riêng, măng cụt), nâng tổng diện tích cây ăn trái của huyện lên 2.528ha, chiếm 53,66% diện tích đất vườn toàn huyện, trong đó có 1.933ha đang cho trái, sản lượng 31.365 tấn.
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản của Phụng Hiệp cũng tăng mạnh, sản lượng 30.694 tấn. Nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản được phát triển và nhân rộng như nuôi cá lóc, cá trắng trên ruộng lúa. Ngoài ra, nông dân trong huyện còn tận dụng mặt nước ao, mương, sông, rạch làm lồng, bè thả cá lóc, bống tượng…, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc-xin nên trong năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện, tổng đàn gia súc đạt 53.950 con, gia cầm 1,5 triệu con.
Ông Thiên cho biết thêm, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, lãnh đạo huyện luôn quan tâm đến các chính sách xã hội. Trong năm qua, huyện đã xây dựng 21 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 22 căn với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng; xây dựng 79 căn nhà tình thương, sửa chữa 14 căn, trị giá 1,7 tỷ đồng. Huyện còn mở 34 lớp dạy nghề cho 1.020 lao động nông thôn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4.919 lao động. “Nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình xoá đói giảm nghèo nên toàn huyện chỉ còn 11.071 hộ nghèo, giảm 3,59% so với năm 2011, chiếm 22,86%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 12,34%”, ông Thiên nói.
Về mục tiêu của năm 2013 và những năm tiếp theo, ông Thiên cho biết, Phụng Hiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hoá cơ cấu cây trồng - vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất vùng chuyên canh lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng lúa chất lượng cao 7.000ha ở các xã Thạnh Hoà, Long Thạnh, Tân Bình, Bình Thành. Giữ ổn định diện tích mía trong vùng nguyên liệu (8.800ha) tại các xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, Hoà An,… Phát triển mô hình nuôi cá tra, rô đồng, tôm càng xanh ven kênh quản lộ Phụng Hiệp – Cà Mau, nuôi cá đồng các loại trên ruộng lúa,…
Tiếp tục đầu tư, nạo vét kênh mương, thuỷ lợi nội đồng khép kín đê bao ngăn lũ gắn với xây dựng lộ giao thông nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến nông về nhân giống lúa chất lượng cao; sản xuất lúa, cây ăn trái theo quy trình GAP. Triển khai có hiệu quả chương trình XDNTM, từng địa phương rà soát hiện trạng, xác định thứ tự ưu tiên từng tiêu chí để tập trung triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân. “Tôi tin rằng với những giải pháp mang tính tổng hợp, Phụng Hiệp sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Thiên khẳng định.
Một số mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2015 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,33%/năm; thu nhập bình quân 16,48 triệu đồng/người; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; xây dựng 10 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hoá; Thạnh Hoà, Phương Bình đạt tiêu chí xã nông thôn mới; 97% số hộ được sử dụng điện; 90% số hộ được sử dụng nước sạch… |
Khánh Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn