03:49 EST Chủ nhật, 24/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Phước Long- đổi thay từ phong trào xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 20/03/2014 08:53
Ghi chép theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bảy (tức Bảy Quắn) ở ấp Huê 2, xã Vĩnh Thanh huyện Phước Long.

Còn nhớ hôm trạm bơm điện ở ấp Huê 2, xã Vĩnh Thanh đi vào hoạt động, tôi đã hăm hở vượt sông sang xem. Không phải vượt sông trên cây cầu khỉ cheo leo hay bằng xuồng như thuở trước, mà đi trên cây cầu bê tông cốt thép, khang trang, vững chãi vừa mới được xây dựng hoàn thành trong năm vừa qua.

Cùng bà con, cô bác trong ấp đứng nhìn trạm bơm điện với dòng nước ào ạt tuôn trào phục vụ tưới tiêu cho cách đồng mẫu lớn, rộng cả trăm ha; Nhìn những con đường tráng bê tông hoặc trải nhựa, uốn lượn men theo kênh rạch mà tôi thầm thấm thía lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời:

 

“Còn non còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”

Niềm tin tưởng của Bác Hồ giờ đây đã được minh chứng khi nhìn vào sự đổi thay ở Phước Long quê tôi hôm nay.

 

Người dân Phước Long chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trước đây Phước Long quê tôi nghèo lắm, nghèo nhất tỉnh Minh Hải. Sau này khi chia tách thuộc tỉnh Bạc Liêu, cái nghèo vẫn còn đeo đẳng Phước Long không dứt. Mà cũng đúng thôi, làm sao mà giàu được khi đây là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến đã từng bị hàng trăm ngàn tấn bom đạn cày xới trong chiến tranh. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Phước Long vẫn quẩn quanh trong vòng nghèo khó, lạc hậu bởi kết cấu hạ tầng yếu kém, người dân chủ yếu sống nhờ vào cây lúa, mà trồng được cây lúa lúc đó đâu phải dễ!

Trong tôi, giờ đây vẫn còn hằn sâu những hình ảnh cách nay khoảng 15, 20 năm trở về trước. Đó là hình ảnh vùng quê nghèo, lam lũ với cánh đồng Chó Ngáp cùng bao cánh đồng bạt ngàn khác chỉ mọc đầy cỏ dại, năn, sậy và những khu vườn um tùm cây tạp. Mùa mưa thì cả vùng nước ngập mênh mông, khi đến mùa khô thì đất nứt nẻ, khô cằn, kênh rạch lừng phèn.

Người dân nơi đây, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa nhưng cực trần ai. Phận người lúc bấy giờ như cái cò, cái vạc, quanh năm bươn trải đồng sâu, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không khá lên được.

Làm sao để quê hương Phước Long trở nên giàu đẹp, đời sống người dân nơi đây ngày càng được ấm no, sung túc. Đó là câu hỏi lớn, là nổi trăn trở trong nhiều năm dài của biết bao thế hệ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và của địa phương quê tôi.

Ông bà ta thường nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và không có cảnh nào gian nan hơn cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, truyền thống của dân tộc Việt Nam là trong gian khó mỗi người, mỗi nhà, mỗi nơi đều trăn trở tự lựa chọn cho mình những giải pháp để vươn lên.

Riêng đối với Phước Long, con đường mà lãnh đạo nơi đây chọn để đưa vùng quê này khởi sắc chính là việc tìm tòi, nghiên cứu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để từ đó có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, đầy sáng tạo.

Những người nông dân chân lấm tay bùn như tôi còn nhớ vào năm 2006, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Chỉ thị số 05 về "Xây dựng phát triển toàn diện huyện Phước Long, giai đoạn 2006 – 2010" thì ngay sau đó, Huyện ủy Phước Long đã cho ra đời hàng loạt những nghị quyết chuyên đề và để thực hiện các nghị quyết này, huyện đã kèm theo các chỉ thị, đề án cho từng lĩnh vực cụ thể sát với thực tế ở địa phương, nhờ đó đã góp phần vực dậy vùng quê lam lũ, nghèo khó này.

Ngoài Đề án số 01, xác định 30 tiêu chí về xây dựng huyện phát triển toàn diện, theo tinh thần Chỉ thị số 49 của Bộ NN&PTNT, trong đó có 8 tiêu chí về lĩnh vực kinh tế, nhằm phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất, chúng tôi vẫn không quên Đề án số 04 về chỉ đạo cải tạo vườn tạp.

Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đề án này, toàn huyện đã cải tạo được gần 6.000 ha vườn tạp, đất bỏ hoang, đất lung phèn trở thành những ruộng lúa, vườn rau, ao cá màu mỡ cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Rồi Chỉ thị số 06 về việc phát triển vườn rau gia đình với mục đích ban đầu là vận động các hộ nghèo tận dụng diện tích đất trống quanh nhà để trồng rau nhằm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn trong gia đình.

Từ việc một số hộ trồng nhiều, ăn không hết nên bán bớt cho các hộ lân cận và đem ra bán ở chợ. Vậy là mô hình phát triển vườn rau gia đình, nhất là rau cần nước ngày càng phát triển thành mô hình sản xuất rau hàng hóa để phục vụ cho cả vùng.

Rồi từ suy nghĩ, nếu trồng rau mang lại hiệu quả thiết thực như thế, thì tại sao lại không thả nuôi cá ở những ao bị bỏ trống lâu nay? Và từ đó, chỉ thị của Huyện ủy về vườn rau đã được phát triển thêm ao cá; rồi theo đó là hàng loạt các Chỉ thị khác ra đời như: Chỉ thị phát động phong trào cán bộ, đảng viên tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; Chỉ thị phát động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới và 13 tiêu chí xây dựng gia đình nông thôn mới.

Có thể nói, những nghị quyết, chỉ thị này đã đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của chúng tôi, trở thành nền tảng văn hóa tinh thần, có sức lan tỏa sâu rộng để mọi người tích cực tham gia, góp phần đưa Phước Long thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt là đời sống chúng tôi đã được nâng lên đáng kể.

Tính đến cuối năm 2010, thu nhập bình quân của mỗi người dân ở huyện đã vươn lên ở mức trên 19 triệu đồng/năm. Toàn huyện chỉ còn hơn 5.500 hộ nghèo theo tiêu chí mới và 4.951 hộ cận nghèo.

Chỉ có những người dân ở quê tôi mới hiểu rõ một điều, không phải ngẫu nhiên mà cách nay 3 năm, Phước Long được Trung ương chọn là huyện duy nhất ở ĐBSCL và là 1 trong 5 huyện chỉ đạo điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung ương chọn Phước Long là bởi Ban chấp hành Đảng bộ nơi đây luôn tâm huyết, đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tìm tòi cái mới áp dụng cho huyện và cả vùng, luôn sâu sát hết lòng với dân, đang được dân tin yêu vì đã có những quyết sách linh động, sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cho vùng quê này.

Chọn Phước Long bởi những thành tựu kinh tế xã hội mà Phước Long vừa đạt được chính là tiền đề vững chắc tạo đà cho huyện tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, đảm bảo trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2015.

Tuy nhiên, khi vừa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương chưa được bao lâu, Phước Long lại một lần nữa đứng trước nhiều thách thức khi bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, kinh tế trong nước, trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời, trong đó có yêu cầu cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, tập trung kềm chế lạm phát. 

Lúc này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng huyện nông thôn mới Phước Long đúng theo lộ trình trong tình trạng khó khăn về vốn?

 

“Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Một lần nữa, lãnh đạo Phước Long đã học theo lời dạy của Bác Hồ, đó là lấy dân làm gốc, thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, hết thảy những công việc lớn, nhỏ ở địa phương trước khi được triển khai, thực hiện đều được công khai đưa ra để người dân đóng góp ý kiến.

Chính nhờ vậy, Phước Long quê tôi đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của toàn dân. Qua 3 năm triển khai thực hiện các tiêu chí của huyện nông thôn mới, với tổng số vốn đầu tư được huy động từ các nguồn gần 880 tỷ đồng, trong đó người dân đã đóng góp gần 120 tỷ đồng.

Đó là chưa kể số tiền gần 60 tỷ đồng huyện vận động được từ các các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng hàng trăm ngàn ngày công lao động của cán bộ, nhân dân trong huyện tham gia xây dựng lộ bê tông trục ấp, liên ấp và lộ ngõ xóm.

Có thể nói, 3 năm qua là 3 năm mà người dân quê tôi sát cánh, kề vai cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi đây hoàn thành biết bao công trình phần việc. Thực tế chứng minh, ở bất kỳ một địa phương nào, khi ý Đảng, lòng dân đã hòa quyện, tạo nên sự đồng thuận cao, thì cũng đồng nghĩa với việc tạo nên sức mạnh tổng hợp để giúp địa phương đó có thể vượt qua bất kỳ khó khăn, trở ngại nào.

Phước Long quê tôi đã làm được điều đó!

Nhìn lại 3 năm, chỉ mới hơn nửa lộ trình của kế hoạch 5 năm xây dựng nông thôn mới nhưng trên mảnh đất này đã có sự đổi thay đến không ngờ. Sự đổi thay đó, hiện diện ở khắp mọi nơi từ cánh đồng, dòng sông, con rạch, cây cầu, sân nhà, chợ búa, công sở cho đến đời sống sinh hoạt của mỗi người dân.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian này, Phước Long đã đầu tư xây dựng hơn 150 km đường bê tông trục ấp, liên ấp; gần 214 km đường bê tông ngõ, xóm; hơn 14 km bờ kè; bắc mới 136 cầu bê tông cốt thép; Xây dựng được 20 trường đạt chuẩn quốc gia, 60 nhà văn hoá ấp và xây dựng, nâng cấp, mở rộng được 3 chợ nông thôn, cùng với rất nhiều công trình phần việc quan trọng khác.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trong một lần về thăm Phước Long.

Đặc biệt, lấy sản xuất nông nghiệp – thủy sản làm chủ lực để phát triển kinh tế, trong 3 năm qua, Phước Long quê tôi cũng không ngừng nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp bền vững đạt hiệu quả kinh tế cao trên cả 2 vùng sản xuất, nhất là mô hình: Lúa - màu, lúa - cá, lúa - tôm, tôm - cá, tôm- cua; phát triển đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi các loại động vật hoang dã có giá trị kinh tế cao. Riêng vùng ngọt ổn định huyện đã xây dựng được 16 cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 700 ha, 18 trạm bơm điện gắn liền với ô đê bao thủy lợi khép kín.

Có thể khẳng định, những cánh đồng năn, sậy ngày xưa giờ thành những cánh đồng lúa bạt ngàn với đôi, ba vụ một năm cùng các mô hình sản xuất kết hợp đầy hiệu quả đã đưa sản xuất nông nghiệp và thủy sản của Phước Long ngày càng phát triển với tổng giá trị trung bình hàng năm đạt gần 3.115 tỷ đồng. Chính điều này đã làm nên sự thay đổi rõ nét trong đời sống người dân cũng như bộ mặt nông thôn Phước Long.

Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp – thủy sản, huyện còn tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ, tổng giá trị hàng năm đạt trên 5.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phước Long còn làm tốt công tác dạy nghề, tạo việc làm, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, đồng thời luôn quan tâm hỗ trợ gia đình chính sách, các hộ nghèo. Ngoài việc phân công đảng viên đỡ đầu hộ nghèo, huyện cũng đã trao phương tiện sản xuất cho gần 2.250 hộ nghèo, hộ cận nghèo và trao sổ tiết kiệm cho gần 600 hộ chính sách nghèo với tổng trị giá gần 9 tỷ đồng.

Hiện thu nhập của người dân quê tôi đã đạt gần 29 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2010. Điều phấn khởi nhất là toàn huyện đã công nhận được hơn 8.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình nông thôn mới. Hiện nay huyện chỉ còn hơn 2.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,57%  và hơn 2.100 hộ cận nghèo , chiếm tỷ lệ 7,61%.

Với những thành tựu đã đạt được, Phước Long quê tôi từng bước tiến gần hơn mục tiêu đã đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, trong tổng số 19 tiêu chí do Trung ương qui định cho xã nông thôn mới thì xã Vĩnh Thanh đã đạt 18 tiêu chí, 6 xã còn lại trong huyện đều đạt từ 12 - 15 tiêu chí.

Có thể nói, cứ mỗi khi số tiêu chí được công nhận ở mỗi xã trong huyện tăng lên thì bộ mặt nông thôn của Phước Long càng đổi thay rõ nét. Tôi có cảm nhận, trước đây Phước Long như cô thôn nữ quê mùa, nghèo khó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cô thôn nữ này đã được điểm tô để trở nên lộng lẫy, duyên dáng, sang trọng hơn nhưng không mất đi những hương đồng, gió nội.

Có lẽ chính điều đó đã hấp dẫn mọi người từ nhiều nơi tìm đến với Phước Long. Trong 3 năm qua, Phước Long đã đón tiếp hơn một trăm đoàn khách từ các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước tìm về tham quan cũng như trao đổi, chia xẻ kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới.

 

Một góc Phước Long hôm nay.

Và bất cứ ai đến với Phước Long cũng nhận rõ một điều: Để có được một Phước Long phát triển như ngày hôm nay, ngoài tinh thần đoàn kết, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ Đảng viên, nhận thức sâu sắc của người dân, sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ các Bộ, ngành Trung ương cho đến các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước, điều cốt lõi là lãnh đạo Phước Long trong những lúc gian khó đã không trông chờ, ỷ lại mà biết vận dụng linh động, hợp lý các cơ chế, chính sách và đặc biệt là biết dựa vào sức dân để phát huy nội lực. 
 

“Quê hương là gì hở mẹ
Mà sao cô dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều”  

Những đứa cháu của tôi thường ngâm nga những câu thơ này khi cùng tôi ngắm nhìn những công trình mới vừa mọc lên trên quê hương Phước Long. Ở tuổi này, chúng chắc chưa hiểu một điều, đó là: Tình yêu, nỗi nhớ quê hương càng sâu đậm khi quê hương ghi dấu trong lòng mình bao ấn tượng đẹp!

Có dịp nào về thăm ĐBSCL, vùng châu thổ phù sa dọc ngang kênh rạch, với ruộng đồng mênh mông bát ngát, thẳng cánh cò bay, bạn hãy vượt cầu Cần Thơ theo tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp về vùng đất Nam Sông Hậu, vùng đất tận cùng của Tổ quốc để ghé thăm một  lần cho biết. Phước Long quê tôi!./.

Tấn Phong
Nguồn VOV – ĐBSCL
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 239

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 238


Hôm nayHôm nay : 55391

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1113692

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71341007