Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Tư lệnh Binh đoàn 15 đã trao đổi với phóng viên NTNN về những kết quả đáng phấn khởi này…
Thưa Tư lệnh, Binh đoàn 15 được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị chỉ đạo điểm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, đồng thời là đơn vị tổ chức phát động trước phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM” mở đầu cho toàn quân. Xin Tư lệnh cho biết cảm nghĩ khi Binh đoàn được đón nhận vinh dự này?
Binh đoàn 15 là đơn vị Kinh tế - Quốc phòng, được thành lập ngày 20.2.1985. Đến nay đã là năm thứ 27 Binh đoàn thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao là phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng – an ninh trên các địa bàn chiến lược.
Trải dài trên 220 thôn, làng của 33 xã, phường, thị trấn gồm các tỉnh, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định, địa bàn Binh đoàn đứng chân chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng biên giới; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ sản xuất kém phát triển, đời sống xã hội còn nhiều tập tục lạc hậu, thậm chí nhiều nơi đồng bào còn sống tự cung tự cấp, chưa có cả những khái niệm manh nha về trồng cây hàng hóa...
Tuy nhiên, với phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, với tâm niệm thay mặt các thế hệ đồng đội đi trước trả nghĩa công ơn đùm bọc, chở che của đồng bào, 27 năm qua, cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn 15 đã dũng cảm và nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua muôn ngàn gian khổ, cải biến hàng chục vạn ha đất nhức nhối tàn tích chiến tranh, nghèo kiệt vì nắng gió bao đời trở thành những vườn cao su, cà phê; những vùng kinh tế năng động; những khu dân cư trù phú…
Đến nay, Binh đoàn đã phát triển được hơn 41.000ha cao su, 53.000ha cà phê, 90ha lúa nước; xây dựng 6 nhà máy chế biến mủ cao su, 1 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu, 1 nhà máy chế biến phân bón vi sinh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Binh đoàn đều đạt trung bình 15%. Riêng năm 2011, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách nhưng Binh đoàn vẫn đạt lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng – đứng thứ 2 trong các đơn vị kinh tế toàn quân…
Bằng hiệu quả từ sản xuất kinh doanh, những năm qua, Binh đoàn đã đầu tư, sửa chữa hơn 1.000km đường giao thông; xây dựng 1 trường trung cấp nghề, 8 trường tiểu học và THCS với 93 phòng học, 10 trường mầm non với 34 điểm trường; 1 bệnh viện khu vực, 8 bệnh xá; sửa chữa và làm mới hàng trăm nhà chính sách… Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng được Binh đoàn đầu tư để xây dựng mạng lưới điện, hồ đập chứa nước, nhà máy thủy điện, nhà rông văn hóa, khu vui chơi giải trí…
Như vậy có thể nói dù chưa chính danh tên gọi nhưng thực tế Binh đoàn 15 đã làm nhiệm vụ xây dựng NTM từ rất sớm. Đây không chỉ là những “lưng vốn” cơ bản, những viên gạch nền móng cho cơ sở vật chất NTM, mà còn là những kinh nghiệm quý về công tác dân vận để động viên sức mạnh tổng hợp quân – dân xây dựng thành công NTM…
Lực lượng Binh đoàn 15 ra quân giúp dân làm đường giao thông. |
Dù chỉ mới hơn nửa năm ra quân, song Binh đoàn đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu. Tư lệnh có thể cho biết khái quát những kết quả đáng phấn khởi này?
- Sau lễ phát động ra quân của Binh đoàn vào giữa tháng 2.2012, lần lượt các đơn vị trong Binh đoàn đã phát động thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”. Chúng ta biết xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Binh đoàn đã chia cuộc vận động thành hai giai đoạn: Từ năm 2011 - 2015 và từ 2016 - 2020. Mới hơn 6 tháng ra quân là quãng thời gian quá ngắn ngủi. Tuy vậy, xác định đây là cuộc vận động mang ý nghĩa lớn lao về chính trị - xã hội, toàn Binh đoàn đã đồng loạt ra quân thực hiện ngay nhiệm vụ…
Với việc hoàn thành trồng mới 6.300ha cao su, Binh đoàn đã tuyển dụng và sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ; hình thành thêm một tụ điểm dân cư – xã hội mới ở Nam Mo Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum…
Các công ty, đơn vị cơ sở ra chỉ tiêu giúp 1 - 2 xã trên địa bàn đóng quân, chọn một số thôn, làng khó khăn để làm điểm, đã thực hiện ngay những công việc cấp thiết như: Tu sửa, xây dựng đường giao thông liên xã, liên thôn, trường học, trạm y tế; mở rộng địa bàn, ngành nghề kinh doanh để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tham gia có hiệu quả vào công tác giáo dục, chăm sócsức khỏe cho nhân dân, củng cố chính quyền cơ sở, chung tay giữ gìn an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội…
Trong khí thế ra quân sôi nổi, điển hình là các Công ty 74, 715, 732 với nhiều công việc hiệu quả. Xin dẫn một thí dụ là làng Mới xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ, Gia Lai ) đang được Công ty 74 giúp đỡ. Từ đầu năm, hàng trăm triệu đồng đã được công ty đầu tư giúp bà con mở rộng đường làng ngõ xóm; 32 hộ được giúp xây dựng công trình vệ sinh. Hàng chục hộ khác được giúp đỡ kỹ thuật cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Đời sống của 56 hộ dân làng Mới đang biến chuyển rõ rệt. Một số hộ như Rơ Lan Chêr, Rơ lan Klok đã đạt mức thu nhập gần trăm triệu đồng/năm. Làng không còn xảy ra tình trạng mất an ninh. Cộng đồng người Jrai – Kinh đoàn kết, sống chan hòa, thân ái…
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang
Chúng ta đang ở trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Địa bàn đứng chân của Binh đoàn 15 hầu hết là những địa phương nghèo. Trong bối cảnh hiện nay, theo Tư lệnh sự giúp đỡ của Binh đoàn sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào để phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả cao hơn nữa?
- Chung tay xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu đã được cán bộ, chiến sĩ toàn Binh đoàn 15 quán triệt. Do vậy dù hoàn cảnh khó khăn nào, Binh đoàn cũng không lơi lỏng vị trí đã được Bộ Quốc phòng tin cậy lựa chọn…. Trong bối cảnh hiện nay, với Binh đoàn, vấn đề có tính cấp bách là tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn đứng chân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Giúp bà con làm chủ phương cách làm ăn mới, thay đổi nhận thức truyền thống bằng những cách làm phù hợp với tâm lý, tập quán mới - điều này không đơn thuần chỉ là vấn đề tài chính.
Mô hình “Gắn kết hộ” của Binh đoàn ra đời có thể nói rất đúng và trúng. Đến nay đã có 4.379 cặp hộ gắn kết – trong đó có hơn 1.970 hộ đồng bào dân tộc không phải là người lao động của Binh đoàn. Những cặp hộ gắn kết coi nhau như anh em ruột thịt, giúp nhau sản xuất, nuôi dạy con cái, quản trị gia đình, rũ bỏ tập tục lạc hậu, cùng hòa nhập trong môi trường văn hóa mới…
Có thể nói với mô hình “Gắn kết hộ”, cuộc sống vật chất, tinh thần trong những gia đình gắn kết đã có những biến chuyển rất tích cực, đặc biệt là với đồng bào dân tộc… Đây chính là những giá trị văn hóa cơ bản - đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng nông thôn mới…
Xin cảm ơn Tư lệnh!
Ngọc Tấn (thực hiện)
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn