Sau khi Luật Quản lý nợ công được thông qua vào năm 2009 và áp dụng vào năm 2010, hệ thống văn bản dưới luật đã được ban hành với 6 Nghị định hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành; 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Thông tư liên tịch. Hệ thống văn bản khá đầy đủ, toàn diện, đã tạo khuôn khổ pháp lý ở mức cao nhất đối với hoạt động quản lý nợ công.
Tách bạch phạm vi nợ công
Tuy nhiên, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là nợ công tăng cao do bội chi ngân sách dẫn đến vay nhiều; công tác quản lý, phân bổ vốn vay nhiều bất cập khiến hiệu quả sử dụng vốn thấp; phát sinh rủi ro một số dự án dẫn đến Chính phủ phải trả nợ thay…
Hiệu quả sử dụng vốn vay của khu vực Nhà nước còn thấp |
Những hạn chế này đã được Bộ Tài chính thẳng thắn chỉ ra tại Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), vừa trình lên Chính phủ. Cùng với dự thảo luật này, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan tới việc quản lý nợ công, nâng cao công tác quản lý, giám sát nhằm thực hiện chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có một số điều chỉnh về bố cục như bổ sung 2 chương mới về quản lý cho vay lại của Chính phủ và đảm bảo khả năng thanh toán trả nợ; đồng thời, rà soát chỉnh sửa tên chương, bổ sung thêm một số điều trên cơ sở luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định theo thời gian.
Dự thảo không có thay đổi về các cấu phần của nợ công so với luật hiện hành, theo đó nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nội dung quy định về phạm vi nợ công được tách thành một điều riêng tại luật, đồng thời làm rõ nội dung của từng cấu phần nợ công để giải quyết những tồn tại hiện nay liên quan đến sự rõ ràng của từng cấu phần nợ công, đặc biệt là với nợ của Chính phủ.
Theo dự thảo, các khoản tạm ứng của NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản, nợ của DNNN sẽ không thuộc phạm vi của nợ công. Đây là thay đổi đáng chú ý so với quy định cũ. Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với vay nợ của DNNN theo cơ chế tự vay tự trả, DN là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.
DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp, trường hợp DN không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật. Nếu đưa nợ tự vay tự trả của DNNN vào nợ công có nghĩa là chuyển nợ từ DN sang nợ của Chính phủ. Điều này không phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính không đưa nợ DNNN vào nợ công.
Nhà nước rũ vai bảo lãnh
Bên cạnh đó, quy định về cho vay lại vốn vay của Chính phủ cũng được quy định chặt chẽ hơn theo hướng bổ sung quy định về điều kiện vay lại đối với tổ chức tài chính tín dụng, phải được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch) xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam nhằm tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế và đảm bảo tính khách quan trong việc quyết định cho vay lại đối với các tổ chức tài chính tín dụng. Đối với chính quyền địa phương, bổ sung quy định vốn vay lại phải đảm bảo không vượt quá hạn mức nợ và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về NSNN.
Liên quan đến việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, dự thảo được sửa đổi và bổ sung theo hướng nâng cao điều kiện được cấp bảo lãnh đối với cả đối tượng và chương trình dự án. Theo đó, thu hẹp đối tượng được xét cấp bảo lãnh Chính phủ chỉ gồm DN, ngân hàng chính sách của Nhà nước, không bao gồm các tổ chức tài chính tín dụng khác. Giảm diện các chương trình, dự án được xét cấp bảo lãnh Chính phủ, trong đó có việc loại các dự án sử dụng vốn vay hỗn hợp ODA và vay thương mại khỏi diện các dự án được xét cấp bảo lãnh của Chính phủ.
Bên cạnh đó, rà soát và bổ sung các nội dung nhằm tăng cường điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho từng nhóm đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh và quy định tương đối cụ thể và rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện đối với người vay được bảo lãnh, về dự án, chương trình, về khả năng trả nợ và tính khả thi của dự án hoặc chương trình tín dụng.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đánh giá, những thay đổi của dự thảo luật một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc dừng bảo lãnh các dự án của DNNN, cũng như không cấp phát vốn vay tràn lan theo kiểu bao cấp cho các địa phương.
Ông Vân phân tích, vốn vay trong giai đoạn vừa qua chủ yếu được ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án đầu tư công (khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015), song chỉ số ICOR khu vực Nhà nước mặc dù đã giảm xuống 8,94 (giai đoạn 2006-2010 là 9,2), tuy nhiên vẫn rất cao so với ICOR của nền kinh tế (tương ứng cả 2 giai đoạn là 5,52 và 6,26) cho thấy hiệu quả thấp trong việc sử dụng nguồn vốn này.
Như vậy thực tiễn cho thấy chỉ số đầu tư thông qua dòng vốn vay về còn quá cao, phản ánh năng lực sản xuất kinh doanh của DNNN cũng như năng lực sử dụng vốn của địa phương không hiệu quả và nếu tiếp tục bảo lãnh, sử dụng đồng vốn không hiệu quả đó, sẽ dẫn đến áp lực nợ công gia tăng. Vì vậy, những động thái mới trong quản lý nợ công chắc chắn sẽ siết chặt việc sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Ngọc Khanh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn