19:21 EST Thứ sáu, 24/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Quảng Bình: Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu - 20/04/2018 21:52
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang được xem là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình vẫn đang phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống thì sự liên kết lại càng cần thiết, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp & PTNT Quảng Bình đã tích cực hỗ trợ các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chuỗi nông sản và chuỗi nông sản an toàn. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Dự án SRDP xây dựng 13 chuỗi giá trị, trong đó có những chuỗi như nuôi bò lai sinh sản, bò vỗ béo, gà thả vườn, dê nhốt chuồng, mật ong, lạc, ngô lấy thân, lúa, sim, nấm, nuôi thỏ… bước đầu đạt kết quả tốt. Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các Hợp tác xã và Tổ hợp tác theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp và bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Từ những tổ ong nuôi nhỏ lẻ của các hộ nông dân, từ năm 2014, Công ty TNHH Sinh Thái Miền Tây Quảng Bình ở thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa đã phối hợp cùng với các dự án để từng bước xây dựng thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa” với chuỗi giá trị khép kín, đạt chất lượng cao. Đây là chuỗi nông sản được xác nhận đầu tiên của tỉnh Quảng Bình vào tháng 9/2016. Hiện mỗi năm Công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra cho chuỗi giá trị mật ong từ 7-10 tấn. Sản phẩm “Mật ong Tuyên Hóa” hiện đã có chỗ đứng trên thị trường và đã mở rộng không chỉ phạm vi trong tỉnh mà còn ra ngoại tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Dương…

Cuối tháng 11/2016, chuỗi lúa gạo của Hợp tác xã SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy trở thành chuỗi lúa gạo đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được xác nhận đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm. Theo ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, mô hình chuỗi lúa gạo do Hợp tác xã thực hiện có 43 hộ dân tham gia với diện tích 268ha, sản lượng 300 tấn/năm. Hiện tại, sản phẩm gạo của Hợp tác xã đã có thị trường tiêu thụ ổn định, cung cấp cho các trường bán trú ở huyện Lệ Thủy và đang giới thiệu cho một số điểm trường mầm non ở thành phố Đồng Hới và thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, khi tham gia vào chuỗi liên kết lúa gạo, bà con xã viên không còn phải lo lắng về giá cả cũng như thị trường đầu ra khi lúa đến kỳ thu hoạch, từ đó góp phần tăng thu nhập và phát triển bền vững nghề trồng lúa cho bà con xã viên.

Theo ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh Quảng Bình có 8 cơ sở kinh doanh nông thủy sản được xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi, gồm 03 cơ sở kinh doanh tỏi (tại TX Ba Đồn); 01 cơ sở chế biến, kinh doanh khoai deo (Quảng Ninh); 01 cơ sở kinh doanh Mật ong (Tuyên Hóa); 01 cơ sở kinh doanh gạo P6 (Lệ Thủy); 01 cơ sở kinh doanh các loại rau xanh (TP Đồng Hới) và 01 cơ sở kinh doanh thủy sản (Bố Trạch). Thông qua những chuỗi liên kết này đã tạo được sự kết nối cung ứng thực phẩm giữa cơ sở sản xuất - cơ sở sơ chế, chế biến - cơ sở kinh doanh thực phẩm nông sản và cung cấp đến tay người tiêu dùng thực phẩm được kiểm soát thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 91 cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, trong đó có 89/91 cơ sở áp dụng chương trình GMP, SSOP, 1/91 cơ sở áp dụng HACCP và 1/91 cơ sở áp dụng ISO. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở sản xuất gồm: 1 cơ sở chăn nuôi thịt lợn, 1 cơ sở nuôi tôm và 5 cơ sở sản xuất rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây chính là tiềm năng lớn để tỉnh Quảng Bình tiếp tục hỗ trợ thực hiện xây dựng chuỗi liên kết nông sản trong thời gian tới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, theo đánh giá, việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định, bởi việc sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mới chỉ dừng lại ở từng công đoạn riêng lẻ, hầu hết đi từ khâu sản xuất sau đó trực tiếp ra thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh hiện nay đều rất mong muốn được tham gia thực hiện mô hình chuỗi cung cấp sản phẩm nông sản an toàn nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được mô hình chuỗi liên kết, chính người nông dân cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về cách thức sản xuất, đồng thời ngành nông nghiệp cần chú trọng xây dựng mô hình kiểm soát theo chuỗi, tiến tới mục tiêu toàn bộ nông sản được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ.

Theo ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã xây dựng và nhân rộng một số mô hình liên kết theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như nhân rộng mô hình lúa gạo hữu cơ Quế Lâm với quy mô 30ha tại 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch; xây dựng mô hình rau an toàn theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm bền vững tại thị xã Ba Đồn; mô hình trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn cung cấp thức ăn cho các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn và các tỉnh lân cận; mô hình trồng ngô lấy hạt tại huyện Tuyên Hóa; mô hình trồng gừng tại huyện Bố Trạch…

 

Một điểm giới thiệu sản phẩm rau an toàn của Công ty TNHHMTV An Nông, cơ sở được xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm năm 2017

 

Với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản của tỉnh Quảng Bình, trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tiếp tục thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô với quy mô gần 64ha tại xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa; xây dựng mô hình vùng rau an toàn VietGAP gắn với tiêu thụ và xây dựng thương hiệu rau an toàn tại huyện Quảng Trạch. Ngoài ra, Trung tâm còn chú trọng thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị có ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng cây ăn quả có múi công nghệ cao theo chuỗi liên kết giá trị vùng tại huyện Tuyên Hóa; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu cho sản phẩm thịt thỏ Ruby của HTX SXKD và dịch vụ Hưng Phát tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh; hỗ trợ mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ thịt lợn sạch tại trang trại chăn nuôi lợn theo công nghệ chuồng lạnh khép kín ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy...

Đặc biệt, trong năm 2018, từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã tập trung hỗ trợ các danh nghiệp, HTX, trang trại và hộ gia đình xây dựng và phát triển chuỗi giá trị liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với HTX và người dân; đồng thời củng cố, nâng cấp liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã có tại địa phương, trong đó tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật sản xuất đồng bộ, được quản lý theo yêu cầu và nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường. Nguồn kinh phí này ưu tiên hỗ trợ cho 39 xã phấn đấu đạt Nông thôn mới giai đoạn 2018-2020, đặc biệt là 11 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Ngọc Lan/khuyennongvn.gov

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: sản xuất, liên kết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 259


Hôm nayHôm nay : 68593

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1343879

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 74390850