Bám sát địa bàn, gỡ khó cho nông dân
Phát huy vai trò là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân, những năm qua, Hội ND huyện Vân Đồn đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn thực hiện hiệu quả công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân xã Hồng Phong (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyên Ngọc
Năm 2020, Hội ND các cấp tỉnh Quảng Ninh sẽ đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân; tổ chức các buổi đối thoại, trao đổi, giải đáp thắc mắc cho đội ngũ cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội. |
Ông Phạm Tuấn Vinh - Chủ tịch Hội ND huyện Vân Đồn chia sẻ: Những năm gần đây, Vân Đồn đã đón nhận nhiều dự án lớn vào đầu tư trên địa bàn. Các dự án lớn trên được triển khai đã mở ra những cơ hội phát triển mới cho Vân Đồn, tuy nhiên, việc nhiều dự án lớn được đầu tư đã dẫn đến diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi lớn, do đó phát sinh không ít đơn thư, khiếu kiện của người nông dân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp và các cấp Hội ND Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, Hội ND huyện Vân Đồn đã sớm xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện và chỉ đạo tất cả các cơ sở hội trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của nghị quyết đến tất cả cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Từ đó làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân cùng triển khai thực hiện.
Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81, Hội ND huyện cũng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện Vân Đồn ban hành các kế hoạch, chương trình phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời cử 1 đồng chí lãnh đạo Hội tham gia. Hàng tuần, hàng tháng, Hội ND huyện đều phối hợp với UBND huyện tổ chức họp kiểm điểm việc giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của hội viên nông dân trên địa bàn.
Hội ND huyện còn chọn cử cán bộ hội thường xuyên bám nắm địa bàn, gần dân, sát dân để nắm bắt tình hình tư tưởng của hội viên nông dân. Trong đó, tập trung nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm về công tác giải phóng mặt bằng. Qua đó, đã kịp thời tuyên truyền cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời những ý kiến kiến nghị, khó khăn vướng mắc của người dân trong việc thu hồi đất.
Với những cách làm trên, trong 5 năm qua, Ban chấp hành Hội ND huyện đã phối hợp với UBND huyện thụ lý, giải quyết 139 vụ khiếu nại. Tỷ lệ giải quyết dứt điểm đơn thư đạt trên 90%. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đa dạng các hoạt động tuyên truyền
Được Hội ND tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn, hỗ trợ nhiều hội viên nông dân Đầm Hà mạnh dạn đầu tư trồng rau trong nhà lưới. Ảnh: MN
Để giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo của nông dân, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hàng năm, Hội ND tỉnh đã ký chương trình phối hợp với UBND tỉnh và kế hoạch phối hợp với 17 sở, ban, ngành của tỉnh. Trong đó, có nội dung phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân trong tỉnh. Đồng thời, đưa nội dung này vào đánh giá thi đua của các cấp Hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội duy trì hoạt động của 125 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đây được coi là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động cho hội viên nông dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương thông qua các buổi sinh hoạt chi Hội, hội nghị thôn, khu.
Chia sẻ về tính thiết thực của mô hình này, ông Lê Đình Hảo, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, cho biết: “Từ khi tham gia CLB “Nông dân với pháp luật”, tôi đã được phổ biến nhiều kiến thức pháp luật liên quan đến ATGT, hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự… Những vướng mắc về chính sách trong lĩnh vực nông dân, nông nghiệp, nông thôn cũng được các thành viên trao đổi, giải đáp kịp thời.”
Được biết, trong 5 năm gần đây, các CLB “Nông dân với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý” đã tổ chức 147 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 9.000 lượt người tham dự; phát 170 cuốn sách, 61 băng đĩa và gần 7.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho hội viên nông dân ở 164 cơ sở hội trên địa bàn tỉnh. Các mô hình này cũng đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo, tư vấn pháp luật của cán bộ, hội viên, nông dân. Trong 5 năm, các CLB đã trực tiếp tham gia hướng dẫn, phối hợp giải quyết trên 500 đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên; tham gia hòa giải thành công 1.134 vụ việc ở cơ sở.
Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các CLB “Nông dân với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý” đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật của hội viên nông dân, tạo điều kiện để Hội ND tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Từ đó, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân được tổ chức Hội trực tiếp và phối hợp tham gia hòa giải kịp thời.
Thực hiện luật hòa giải ở cơ sở, Hội ND tỉnh cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp, các địa phương thường xuyên quan tâm xây dựng và kiện toàn hoạt động của trên 1.500 tổ hòa giải với sự tham gia của gần 9.000 hòa giải viên; cung cấp, trang bị đầy đủ tài liệu để phục vụ cho công tác hòa giải. Hằng năm, các đơn vị chủ động phối hợp tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động hoà giải ở cơ sở; lồng ghép giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của chính quyền cấp cơ sở.
Do làm tốt công tác hoà giải ngay từ cơ sở, tỷ lệ đơn thư trên địa bàn toàn tỉnh giảm hàng năm, được Thanh tra Chính phủ và Ban tiếp công dân Trung ương đánh giá cao.
Theo Thu Hà/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn