Với cách làm rất riêng và sáng tạo, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc một cách tích cực để phấn đấu hoàn thành Chương trình xây dựng NTM trước 5 năm so với cả nước. Ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, chia sẻ với Báo NNVN.
SX chỉ tự cung, tự cấp sẽ nghèo
Thưa ông, là tỉnh công nghiệp, dịch vụ du lịch phát triển, nhưng Quảng Ninh vẫn luôn chú trọng phát triển nông nghiệp. Bằng chứng là tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho tất cả các xã xây dựng các tiêu chí NTM. Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình, kết quả đạt được thế nào?
Quảng Ninh đã đi được 2/3 chặng đường của hành trình xây dựng NTM, đã tiệm cận mục tiêu có 82/125 xã cơ bản trở thành xã NTM. Sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, lan toả trong suy nghĩ của từng người dân đã đưa Xây dựng NTM trở thành Nghị quyết bén rễ nhanh nhất trong lòng dân.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thăm mô hình nuôi nhuyễn thể tại Vân Đồn
Đây là cơ sở, điểm tựa vững chắc để Quảng Ninh cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và tiến dần tới đích tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.
Trong xây dựng NTM, chúng tôi xác định phải được sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng góp phần rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực địa phương và lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình khác thực hiện các mục tiêu của Chương trình.
Hơn 27 nghìn tỷ đồng là tổng số kinh phí đã dành cho NTM trong 3 năm qua. Bên cạnh việc huy động tập trung nguồn lực, Quảng Ninh là một trong những tỉnh sớm ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo để thực hiện Chương trình như chính sách hỗ trợ lãi suất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ vật liệu xây dựng đầu tư một số công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng NTM, xây dựng Quy chế khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã NTM - phường, thị trấn văn hoá”.
Tất nhiên, cơ chế chính sách mới phải có sự trải nghiệm, để từ đó đúc rút kinh nghiệm vừa làm vừa hoàn thiện nhưng chắc chắn rằng tất cả các cơ chế chính sách đã ban hành đều thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân, là cái mà người dân cần.
Quảng Ninh đã làm như thế nào để chương trình đi vào lòng dân, biến người dân thành chủ thể trong xây dựng NTM, thưa ông?
Chúng tôi xác định rằng, hạ tầng luôn đi trước một bước trong quá trình phát triển KT-XH. Vì thế, trong những năm đầu tiên, Quảng Ninh dành toàn lực để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi hạ tầng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong đời sống và sinh hoạt, thì khâu đẩy mạnh SX, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân chính là bước đột phá để Quảng Ninh xây dựng thành công Chương trình NTM.
Thực tiễn phát triển của đời sống cho thấy ngày nay nếu SX chỉ tự cung, tự cấp thì sẽ nghèo, vì vậy phải biết tạo ra nhu cầu và thoả mãn nhu cầu cho xã hội, nghĩa là mình phải SX ra hàng hoá để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, để tạo ra giá trị lợi ích về kinh tế lớn hơn cho chính bản thân mình.
Nhà nước lúc này phải áp dụng nhiều giải pháp rất quan trọng (cả trực tiếp và gián tiếp) cụ thể như: Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trực tiếp và có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Hỗ trợ qua chính sách thuế; Hỗ trợ tín dụng…. Đây chính là lý do vì sao cả nước cùng đang thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Quảng Ninh quyết tâm về đích trước cả nước 5 năm cũng vì thế.
Nhìn từ thực tiễn của tỉnh cho thấy, 3 năm trước đây nông nghiệp và nông thôn Quảng Ninh phát triển trong tình hình luôn không ổn định, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp bị thay đổi do tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá diễn ra nhanh. Kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn, mặc dù đã được chú trọng đầu tư song chưa đồng bộ, thiếu tính chiến lược...
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, chúng tôi hoạch định chiến lược, kế hoạch thực hiện, mục tiêu phấn đấu rất cụ thể để có thể khắc phục được tất cả những hạn chế trên, để nông thôn Quảng Ninh chính là nền tảng, là điểm tựa vững chắc cho tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và dần tiến tới tỉnh dịch vụ - công nghiệp.
Theo đó nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của quá trình phát triển, 82/125 xã sẽ cơ bản đạt tiêu chí xã NTM với sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, sự phát triển mạnh mẽ của SX, thu nhập của người nông dân gấp 1,5 - 2 lần năm 2010 của khu vực nông thôn.
Cách làm độc đáo
Biết rằng, Quảng Ninh dồn toàn lực cho tất cả các xã xây dựng NTM, song dường như vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa các xã miền núi, vùng sâu vùng xa với các xã đồng bằng, thưa ông?
Quảng Ninh là tỉnh miền núi - duyên hải; hơn 80% đất đai là đồi núi. Toàn tỉnh có 54 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn do vậy vẫn còn khoảng cách lớn giữa các xã miền núi, vùng sâu vùng xa với các xã đồng bằng.
"Trong chỉ đạo phải chủ động, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, nhanh chóng loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, xác định đây là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân và người nông dân thực sự là chủ thể xây dựng NTM. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy thành thị dẫn dắt nông thôn", ông Trương Công Ngàn. |
Để khắc phục những tồn tại đó, tỉnh Quảng Ninh đã có ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM cho các xã đặc biệt khó khăn, đảm bảo mục tiêu ưu tiên dành 30% nguồn vốn cho các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, cân đối nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn tổng 41,8 tỷ đồng, đồng thời triển khai phong trào "Quân đội chung sức xây dựng NTM", phát động phong trào “Thành thị giúp đỡ nông thôn” với những công trình, hiện vật cụ thể (TP. Hạ Long hỗ trợ huyện Ba Chẽ, TP. Uông Bí hỗ trợ huyện Hoành Bồ, TP. Cẩm Phả giúp 1 xã đặc biệt khó khăn huyện Bình Liêu).
Đây có thể nói là những giải pháp rất riêng và sáng tạo mà Quảng Ninh đã đề ra và thực hiện có hiệu quả. Nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh phát triển theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét. Tất cả những cái mà chúng ta đạt được này chính là nền tảng cho một nông thôn Quảng Ninh phát triển bền vững.
Từ việc chú trọng đầu tư cho hạ tầng, hai năm trở lại đây, Quảng Ninh đã chuyển sang hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức SX, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây có phải là mục tiêu mà tỉnh hướng tới trong những năm tiếp theo, thưa ông?
Hiện nay 69 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt trên 13 tiêu chí (trung bình 15 tiêu chí/xã, 30 chỉ tiêu/xã), những chỉ tiêu còn thiếu là: Nhà văn hoá xã, vệ sinh môi trường, trường học đạt chuẩn và đường giao thông nội đồng... đây là những tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Mặc dù vậy, trước mắt cũng như lâu dài, chúng tôi xác định phải “đi bằng cả hai chân”, nghĩa là vừa tiếp tục đầu tư hạ tầng, vừa ưu tiên cho SX. Tuy kinh tế khó khăn nhưng không thay đổi mục tiêu Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy đã đề ra, chỉ thay đổi phương pháp tổ chức thực hiện, điều hành chương trình, trong đó ưu tiên phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào khu vực nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí NTM theo lộ trình đã được phê duyệt. Ưu tiên cân đối nguồn lực từ ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình trên cơ sở cân đối chung toàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Văn Nguyễn
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn