Anh Nguyễn Văn Uyến ở thôn Công Cối (xã Đại Xuân) đang gặt lúa cho người dân trong vùng.
Phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2018
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Võ, cho biết, triển khai kế hoạch thực hiện XDNTM 2016, Ban chỉ đạo huyện yêu cầu các xã tổng hợp kinh phí nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, trên cơ sở đó báo cáo Ban chỉ đạo để tỉnh phân bổ vốn kịp thời cho các xã, đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thành các tiêu chí liên quan đến vốn. Tháng 4/2016, Ban chỉ đạo XDNTM huyện họp, yêu cầu các ngành rà soát, xây dựng kế hoạch đạt các tiêu chí ngành mình phụ trách.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đầu năm đến nay, huyện đã khởi công 43 công trình hạ tầng tại các xã. Đến tháng 9/2016, huyện đã khởi công 104 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, trong đó có 88 ngôi nhà đã hoàn thành.
Mục tiêu đến năm 2017, Quế Võ phấn đấu có 70% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2018 là 100% số xã và huyện đạt chuẩn NTM. Giữ vững và củng cố các tiêu chí đã đạt ở 20/20 xã như: quy hoạch, điện, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, hệ thống chính trị, an ninh...
Hiệu quả từ dồn điền đổi thửa
Thời gian qua, cùng với những chính sách của tỉnh Bắc Ninh, huyện Quế Võ đã đẩy mạnh công tác thực hiện và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sản xuất đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ nông dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với đề án thí điểm tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê, góp ruộng; ban hành nhiều chính sách mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Đặc biệt, Quế Võ khuyến khích các xã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa vào canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng, ông Nguyễn Minh Sơn, Trưởng thôn Công Cối, xã Đại Xuân, cho biết: “Năm 2015, thôn thực hiện dồn điền đổi thửa, từ chỗ mỗi hộ có tới 11-12 mảnh ruộng, đến nay chỉ còn 1-2 mảnh/hộ. Trước dồn điền đổi thửa, đường giao thông nội đồng chỉ rộng chừng 2-3m, nhưng nay đường to nhất là 12m, nhỏ nhất là 6m. Bên cạnh đó, thôn đã huy động nhân dân tự nguyện đóng góp trên 813 triệu đồng để thực hiện công tác dồn điền đổi thửa”.
Với tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Văn Cam, nông dân thôn Công Cối, cho hay: “Người dân trong thôn ai cũng hưởng ứng, nhất trí với quan điểm đổi mới nông thôn như hiện nay. Nhờ dồn điền đổi thửa, công việc nhà nông làm rất thuận tiện, chúng tôi còn được phổ biến kỹ thuật canh tác giống lúa mới, được tư vấn kỹ càng nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.
Anh Nguyễn Văn Uyến, cũng ở thôn Công Cối, vui vẻ tâm sự: “Từ nguồn hỗ trợ sản xuất trong XDNTM, cộng với vốn tự có và được Nhà nước hỗ trợ 102,6 triệu đồng, năm 2014, tôi mua máy gặt đập liên hợp để phục vụ thu hoạch lúa không chỉ cho người dân trong thôn, xã mà còn phục vụ cả các tỉnh bạn như Bắc Giang, Hải Dương, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình”.
Rời cánh đồng thôn Công Cối, chúng tôi, những người làm công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn miên man suy nghĩ, nếu có quyết tâm của cấp ủy chính quyền cùng sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân thì việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa sẽ không còn là vấn đề nan giải.
Hàng tháng, Ban chỉ đạo họp rà soát việc thực hiện tiêu chí, nghe các báo cáo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn, các xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trong kế hoạch 2016. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn