Theo Chủ tịch huyện Quốc Oai Đỗ Hữu Chiến, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Quốc Oai trong những năm qua luôn ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,6%, các chỉ tiêu pháp lệnh đều đạt và vượt kế hoạch thành phố giao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/người/năm. Tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 6.634 tỷ đồng. Số lao động có việc làm qua đào tạo là 76.235 người, đạt tỷ lệ 69,35% so với số lao động có việc làm, giải quyết việc làm thường xuyên và ổn định cho 8.900 lao động.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hoá, hiệu quả, bền vững và có giá trị kinh tế cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt 1.461,1 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 138,3 triệu đồng, tăng 23,3 triệu đồng so với năm 2015, năm 2018 đạt 145,5 triệu đồng.
Về trồng trọt, năm 2018 diện tích gieo trồng lúa của huyện còn 4.966 ha; năng suất trung bình vụ xuân đạt 62 tạ/ha, vụ mùa đạt 57 tạ/ha. Trong đó diện tích được gieo trồng bằng các giống tiến bộ kỹ thuật, giống chất lượng ngày càng tăng. Giá trị sản xuất tại các khu lúa trung bình đạt 70-80 triệu đồng/ha (lúa 2 vụ); diện tích tại các mô hình lúa chất lượng, lúa tiến bộ kỹ thuật giá trị trung bình đạt 90-100 triệu đồng/ha.
Về chăn nuôi, huyện có nhiều chuyển biến cả về số lượng, quy mô, cũng như chất lượng, giá trị; phát triển theo hướng trang trại, gia trại, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời huyện đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất và tiêu thụ lợn sinh học tại xã Cấn Hữu, xã Hòa Thạch.
Huyện đã phê duyệt 16 xã vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với tổng diện tích chuyển đổi 2.702,6 ha, định hướng cho các xã ven sông Đáy tập trung phát triển vùng cây ăn quả, rau an toàn; các xã bán sơn địa phát triển cây ăn quả và chăn nuôi. Trong năm 2017-2018 trồng mới 10,4 ha ghép cải tạo hơn 200 cây nhãn chín muộn Đại Thành tại các xã miền núi và bán sơn địa. Một số mô hình chuyển đổi đã cho kết quả cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Công nghệ tiên tiến vào sản xuất được coi trọng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi bộ giống lúa có năng suất, giá trị kinh tế cao.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng năm 2018 trên địa bàn huyện Quốc Oai ước đạt 6.634 tỷ đồng, đạt 113,4% so với năm trước. Đến nay huyện có 17 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề và các cụm công nghiệp tập trung tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu như: Dệt may, sản xuất bánh kẹo, chế biến nông sản, đồ thờ, cơ khí tiếp tục giữ vững và ổn định được thị trường, tạo thu nhập, giải quyết việc làm thường xuyên tại các làng nghề góp phần ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời sản phẩm hàng hóa ngày càng được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, ưa chuộng, bước đầu một số sản phẩm có vị trí tại thị trường nước ngoài như: Dệt may, đồ mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm. Công tác bảo vệ môi trường, khuyến công hỗ trợ xây dựng phát triển làng nghề được quan tâm hỗ trợ.
Về thương mại - dịch vụ, tổng giá trị thương mại - dịch vụ - du lịch đến năm 2018 ước đạt 3.183 tỷ đồng, đạt 114,2% so với năm trước (giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng bình quân 3 năm đạt 14,63%.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng mạnh từ 29 triệu đồng năm 2015 đến năm 2018 đạt 44 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn đều được quan tâm hỗ trợ xây sửa nhà ở, tư liệu sản xuất, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám, chữa bệnh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…để ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo. Đến hết năm 2018, số hộ nghèo giảm còn 253 hộ, tỷ lệ 0,46%.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được quan tâm, nhất là ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp. Bình quân mỗi năm giới thiệu và giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động.
Với những kết quả đạt được, theo ông Đỗ Hữu Chiến, trong thời gian tới, huyện Quốc Oai sẽ tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế theo hướng tích cực, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ du lịc. Tỷ trọng nông nghiệp giảm và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh hình thành và phát triển liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn