Chính phủ thực hiện đúng cam kết để Việt Nam thực sự trở thành nền kinh tế mở
Đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Kiến tạo, phục vụ, liêm chính, công khai. Đây cũng là nhiệm vụ, mục tiêu Quốc hội khóa XIV hướng tới. Dưới “lăng kính” của một đại biểu dân cử và là lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, ông có nhận định gì?
Tôi đánh giá cao thông điệp mà Chính phủ nhiệm kỳ mới đưa ra và đã tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Chính phủ đã “kiến thiết, tạo lập” bằng việc xây dựng nhiều cơ chế, chính sách trình Quốc hội xem xét, thông qua, tạo động lực mới phát triển đất nước, thể hiện là một Chính phủ phục vụ qua việc rà soát, bãi bỏ đến 5.000 giấy phép con, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, Chính phủ đã thực sự lắng nghe ý kiến phản biện để tập trung giải quyết, xử lý triệt để, kịp thời. Trên 125 ngàn DN, chủ yếu là DN tư nhân, thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động, là minh chứng rõ nét cho nỗ lực tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chính phủ cũng tích cực phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm cho bộ máy công quyền ngày một liêm chính hơn theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Công khai, minh bạch các kế hoạch, quy hoạch, phương hướng phát triển đất nước để nhân dân biết và chủ động, tự tin sản xuất - kinh doanh cũng là một thành tích của Chính phủ trong nỗ lực hướng đến mục tiêu liêm chính, phục vụ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
Quốc hội có mối liên hệ như thế nào với một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính, công khai, thưa ông?
Quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ là quan hệ thống nhất để thực hiện quyền lực của nhân dân. Như vậy, Chính phủ đổi mới thì Quốc hội cũng phải đổi mới mạnh mẽ, từ nâng cao chất lượng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến tăng cường năng lực giám sát công tác hành pháp, tư pháp.
Rõ nét nhất cho sự đổi mới của Quốc hội là việc chuyển từ thảo luận, tham luận sang tranh luận để có sự đồng thuận, thống nhất cao khi cho ý kiến vào các vấn đề lớn của đất nước, thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Thời gian qua, song hành cùng Chính phủ, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ, cùng thực hiện nhiệm vụ được nhân dân giao phó, góp phần quan trọng tạo ra các khung khổ pháp lý thuận lợi, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh quốc gia, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Chính phủ là đưa kinh tế đất nước phát triển với giải pháp cốt lõi là thay đổi mô hình tăng trưởng đã được thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội thông qua để đưa Việt Nam thành nước công nghiệp. Theo ông, thời gian qua, Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ này như thế nào? Cần đưa ra những giải pháp gì để vượt qua thách thức, đưa nền kinh tế phát triền bền vững hơn, nhất là những ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh?
Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Đảng về thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu với nhiều cơ hội và thách thức. Về cơ hội, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là nền kinh tế năng động trong khu vực và khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 với đặc trưng là số hóa đa lĩnh vực, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển số hóa nhanh với 54% dân số đã tiếp cận với internet. Một thuận lợi nữa, nước ta đang trong giai đoạn có dân số vàng với lực lượng lao động trẻ có trình độ ngày càng cao, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ nhanh. Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị, kinh tế ổn định, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao, thể hiện qua việc tăng trưởng liên tục của chỉ số tín nhiệm, chỉ số cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, thách thức là không hề nhỏ. Trước hết, Việt Nam vừa phải đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 6%/năm, thậm chí cao hơn nhưng phải ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng… Cùng với đó, chúng ta phải đối mặt với thực tế là năng suất lao động thấp; đội ngũ lao động qua đào tạo chưa nhiều; hàm lượng khoa học, công nghệ trong nền sản xuất, kinh tế nói chung chưa cao; những thách thức do biến đổi khí hậu…
Từ những phân tích đó, để phát triển nhanh và bền vững, tôi cho rằng, chúng ta phải có tư duy, tầm nhìn dài hạn để đưa ra và thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp đảm bảo các cân đối vĩ mô, cơ cấu lại nợ công, cân đối thu – chi ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng môi trường pháp lý thông thoáng, công khai, minh bạch; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực; đầu tư từ ngân sách chỉ dành cho những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước không thể làm, còn những lĩnh vực khác, nguồn vốn từ ngân sách chỉ đầu tư dưới hình thức “vốn mồi”, kích thích phát triển.
Một cách cụ thể, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ bằng các chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh… để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng XII xác định: Thành phần kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế không thể đảo ngược. Trong tiến trình đó, Việt Nam đã và đang là nền kinh tế mở với việc ký kết, thực hiện hàng loạt các FTA. Đến nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã đạt trên 400 tỷ USD, tương đương gần 200% GDP. Rõ ràng sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, chúng ta có thể đã “thua những hiệp đầu”, nhưng giờ đây đã và sẽ chiến thắng với tâm thế làm chủ, tự lực, tự cường.
Lúc này, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đúng những cam kết của mình, trong đó, đẩy mạnh công khai, liêm chính là mấu chốt. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục cầu thị lắng nghe, có những giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả, không để người dân bức xúc, DN kêu ca, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, DN.
Tôi tin tưởng rằng, với sự kiên định, quyết tâm, đoàn kết, Chính phủ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra cho năm 2018, đưa kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn