Nhìn lại 10 năm qua, những người "trong cuộc", trực tiếp nghiên cứu các phương án điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô năm 2008 đều có chung nhận xét: TP Hà Nội đã có sự phát triển toàn diện, là minh chứng rõ ràng cho một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:
Mở rộng Thủ đô Hà Nội - quyết định kịp thời và cần thiết
Cách đây 10 năm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, TP Hà Nội nghiên cứu, lên phương án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Điều này xuất phát từ yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phát triển Thủ đô. Nếu không có dư địa về quỹ đất thì rất khó để bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phát triển Thủ đô một cách ổn định, bền vững. Vì vậy, trước yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng với Bộ Nội vụ đã tham gia một cách chủ động vào việc này. Công tác nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng, theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của thủ đô các nước trên thế giới.
Đã có 5 phương án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội được Bộ Xây dựng đưa ra, cùng Bộ Nội vụ đề xuất báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và đưa ra Quốc hội. Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết, phê duyệt phương án hợp nhất cả tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), nâng diện tích của Hà Nội mở rộng lên 3.344km2 (diện tích của Hà Nội cũ khoảng hơn 920km2). Sự mở rộng về không gian tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, bảo đảm sự phát triển tăng thêm về dân số cơ học, dân số tự nhiên, cũng như có quỹ đất để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân Thủ đô.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung, đưa ra bức tranh phát triển về không gian của Thủ đô Hà Nội. Ngay việc nghiên cứu lập đồ án Quy hoạch chung, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu một cách khoa học, cẩn trọng, kết hợp với kinh nghiệm phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời cho phép thuê các nhà tư vấn hàng đầu về quy hoạch của nước ngoài. Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã lập Quy hoạch chung, báo cáo Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đưa ra lấy ý kiến đông đảo nhà khoa học, nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên một đồ án Quy hoạch chung của Thủ đô được báo cáo trước Quốc hội, được Quốc hội chấp thuận. Có được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội, nhân dân, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung và giao cho Hà Nội triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, xây dựng quy chế quản lý, quy chuẩn...
Có thể nói, Quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ là yêu cầu khách quan, hết sức kịp thời, cần thiết và là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trước nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Bây giờ nhìn lại sự phát triển của Thủ đô Hà Nội sau 10 năm qua, tôi thấy TP Hà Nội đã triển khai, làm được nhiều việc. Cấu trúc không gian Thủ đô Hà Nội đang từng bước được hình thành theo quy hoạch được phê duyệt. Hệ thống đường giao thông vành đai và hướng tâm đã hình thành tương đối đồng bộ. Hệ thống các khu đô thị mới được xây dựng với các công trình chung cư cao tầng đã thay đổi thói quen sinh sống của người dân Thủ đô. Các huyện được chú trọng phát triển đô thị kết hợp với xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao đã tạo những thay đổi đáng kể cho các vùng nông thôn trước đây.
Tất nhiên, đối với một đô thị lớn nói chung, đặc biệt đây là đô thị Thủ đô, kỳ vọng, mong muốn của người dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước chắc chắn rất lớn. Vì vậy, chắc chắn còn nhiều việc phải làm, nhiều việc chưa đạt được, điều này cần từng bước chấn chỉnh, khắc phục.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn:
Vượt khó khăn, Hà Nội đã phát triển khá toàn diện
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với TP Hà Nội và các bộ, ngành trung ương liên quan xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội. Trên cơ sở nghiên cứu, dự liệu những thuận lợi, khó khăn khi điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, dự thảo đề án của Bộ Nội vụ lúc bấy giờ đề xuất các phương án khác nhau. Sau khi xem xét, Chính phủ đã thống nhất chọn phương án hợp nhất toàn bộ hiện trạng diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình với TP Hà Nội. Phương án này sau đó đã được các địa phương, cơ quan liên quan nhất trí; Bộ Chính trị đồng ý; tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) sau khi thảo luận đã có kết luận thông qua chủ trương điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII xem xét, thông qua với số phiếu tán thành cao của các đại biểu Quốc hội.
Song đúng như dự đoán ban đầu, khi tổ chức thực hiện cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Điển hình là Bộ Xây dựng đã chỉ đạo dừng cấp các dự án mới, xem xét lại các dự án đầu tư để bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành; phải giải quyết, sắp xếp một số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp thành phố; kinh phí bảo đảm hoạt động của bộ máy mới có khó khăn...
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp công tác có hiệu quả của các bộ, ban, ngành trung ương liên quan, việc đề xuất và ra các văn bản về tổ chức bộ máy cán bộ khi ấy khá kịp thời. Trong đó, quan điểm của Bộ Nội vụ rất nhất quán là phải tính đến quá trình làm việc và năng lực của cán bộ để sắp xếp cho phù hợp. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội (mới) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội. Việc sắp xếp hàng nghìn cán bộ như thế nhưng tuyệt nhiên không có đơn thư khiếu nại lên Trung ương.
Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, tôi và các cộng sự tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết dứt điểm 7 khu vực chưa xác định được địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) và tỉnh Hòa Bình do lịch sử để lại. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh… giải quyết dứt điểm trên 20 điểm có bất cập về địa giới hành chính giữa các địa phương. Do vậy, đến nay địa giới hành chính của Hà Nội đã thực sự ổn định, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết trong lao động, sản xuất và cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
Tổng kết 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước về địa giới đơn vị hành chính, về công tác cán bộ lúc bấy giờ, tôi cảm nhận rõ chủ trương của Đảng, quyết sách của Quốc hội và Chính phủ về điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội là đúng đắn, hợp lòng dân. TP Hà Nội đã đạt được sự phát triển khá toàn diện cả về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn thành phố đã và đang được tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Nhân dịp này, tôi xin chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô giành được nhiều thành tựu tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
Hà Phong - Dạ Khánh (ghi)/hanoimoi.vn