Quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững - Ảnh minh họa
Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Cũng tại thông báo này, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới là phát huy lợi thế so sánh của Vùng, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trước hết là tái cơ cấu nông nghiệp; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc giải quyết thỏa đáng nhu cầu đất sản xuất cho người dân địa phương tại chỗ; ổn định tình trạng di cư tự do đối với cả nơi di chuyển đi và đến.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo nỗ lực khắc phục các hạn chế, yếu kém, có cơ chế chính sách đột phá, tạo chuyển biến căn bản, rõ nét trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Chấm dứt tình trạng "hợp thức hóa" đất phá rừng
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương Tây Nguyên thực hiện các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hạn hán; phòng và chữa cháy rừng, cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng nhanh chóng đến các chủ rừng; hướng dẫn địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại rừng; phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả của lực lượng kiểm lâm, thực hiện tốt chức năng bảo vệ rừng; xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm những đơn vị và cá nhân vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng Tây Nguyên; kiểm tra, thu hồi đất lâm nghiệp sử dụng trái phép; kiên quyết chấm dứt tình trạng "hợp thức hóa" đất phá rừng, sang nhượng trái pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống vào cuộc mạnh mẽ, hỗ trợ các Bộ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát cơ chế, chính sách về di dân, tái định cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững để có phương án bố trí vốn phù hợp.
Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung triển khai và có giải pháp phù hợp phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được giao.
Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai; không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp.
Đồng thời rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các dự án trồng rừng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay, đề xuất giải pháp phù hợp. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.
Bên cạnh đó tăng cường và đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống của người dân sống trong và gần rừng ổn định; tăng cường các biện pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở vi phạm, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch.
Minh Hiển
http://baochinhphu.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn