Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát tiểu tại Đại hội
Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam sẽ thực hiện những nhiệm vụ như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam; thu hút đầu tư cho chế biến sâu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số tại Việt Nam.
Hiệp hội đã quy tụ được những doanh nghiệp, doanh nhân có tâm huyết, trách nhiệm để hiện thực hóa mục tiêu, đưa nông nghiệp Việt Nam về đúng vị thế và tầm quan trọng của nó trong thời gian tới. Đặc biệt, mỗi thành viên đều đồng thuận với tuyên ngôn của Hiệp hội: "Giàu từ nông nghiệp".
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số là hướng đi rất đúng đắn. Nếu chúng ta làm được sẽ tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại, kỹ năng quản trị, tố chất con người và khát vọng Việt Nam để khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Bộ trưởng Cường nói: "Chưa bao giờ có trào lưu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng số hoá vào lĩnh vực này như hiện nay". Ông kể gần 20 năm trước khi gặp ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nói về công nghệ, phần mềm nhưng "chẳng được mấy ai tin". Và giờ mọi mặt hàng, ngành nghề đều được số hoá, trong đó có nông nghiệp.
Trào lưu doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myamar.
Sau doanh nghiệp của bầu Đức, loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát và gần nhất là Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới.
Phần lớn các doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.
Tại đại hội, ông Trương Gia Bình, người được bầu giữ chức Chủ tịch VIDA nhiệm kỳ 2019 - 2024. cho rằng, nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. "Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen, và đó chính là số", ông nói.
Theo Chủ tịch FPT, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.
Thay mặt Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam khóa I (2019 - 2024), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, chia sẻ: Ngành nông nghiệp của Việt Nam đang chứng kiến những khởi sắc rõ rệt nhất với những triển vọng to lớn, hứa hẹn sẽ là một trong những ngành đạt được bứt phá trong tương lai.
Nhận định trên của Chủ tịch FPT dựa vào những tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nông nghiệp thế hệ mới.
Hiệp hội dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng…
BBT tổng hợp/https://www.mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn