Kim ngạch xuất khẩu tăng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam từ ngày 1/7/2019 đến ngày 15/7/2019 đạt 122,1 triệu USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2019, xuất khẩu rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,08 tỷ USD, vượt cả dầu thô (1,03 tỷ USD), gạo (1,4 tỷ USD).
Chế biến trái cây xuất khẩu tại doanh nghiệp ở Tây Ninh. Ảnh: T.L
Kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,08 tỷ USD, vượt cả dầu thô (1,03 tỷ USD), gạo (1,4 tỷ USD). |
Với nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả lớn, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường hấp dẫn cho hàng rau quả của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,46 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài 8 loại trái cây được xuất chính ngạch sang Trung Quốc gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu, thì măng cụt của Việt Nam cũng vừa chính thức được xuất chính ngạch vào thị trường này.
Hiện tại, Trung Quốc đang có các biện pháp nhập khẩu nghiêm ngặt về an toàn chất lượng thực phẩm. Việc nhập khẩu trái cây và rau củ tuân thủ theo tiêu chuẩn (GAP) và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn (GMP). Tất cả các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu và sâu bệnh nông nghiệp.
Vì vậy, nông dân cần tuân thủ các biện pháp và tiêu chuẩn này để duy trì chất lượng và khả năng cạnh tranh. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác…
Cơ hội của trái chuối
Theo dự báo của ResearchAndMmarket.com, tiêu thụ chuối toàn cầu sẽ tăng 1,21%/năm trong giai đoạn năm 2019-2024. Trong đó, châu Á -Thái Bình Dương sẽ tiêu thụ khoảng 61% lượng chuối toàn cầu. Đây là cơ hội cho các vùng chuyên canh chuối của Việt Nam, loại cây được xem có nhiều thế mạnh ở nhiều địa phương.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất chuối hàng đầu thế giới, chiếm gần 25,7% tổng sản lượng. Mỹ là thị trường nhập khẩu chuối hàng đầu thế giới với lượng nhập khẩu chiếm 18% thương mại chuối thế giới. Tại thị trường EU, trong cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch EU nhập khẩu, thì mặt hàng chuối, kể cả chuối lá, tươi hoặc khô là mặt hàng có trị giá lớn thứ hai sau mặt hàng quả thuộc chi cam quýt, tươi hoặc khô. Trong 3 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu chuối của EU đạt 1,84 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Những tháng đầu năm 2019, do điều kiện thời tiết ấm áp nên các loại trái cây ôn đới mùa hè có sớm, điều này khiến nhu cầu chuối tại EU giảm. Theo FAO, năm 2018 lượng chuối nhập khẩu trên toàn thế giới đạt 18,3 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2017. Trong đó, EU là thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới, ước tính đạt 6 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2017, chiếm 33% tổng lượng chuối nhập khẩu toàn thế giới.
Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng chuối (kể cả chuối lá, tươi hoặc khô) lớn thứ 33 cho EU về trị giá. Trong 3 tháng đầu năm 2019, EU nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam với tỷ trọng giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Với lợi thế dễ trồng, dễ tiêu thụ, chuối được xem là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều thuận lợi cho mặt hàng chuối của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới.
Do điều kiện khí hậu, EU nhập khẩu khá nhiều các loại rau quả nhiệt đới, trong đó có mặt hàng chuối. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng chuối từ Việt Nam vẫn còn quá thấp so với nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này. Đáng chú ý, theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi của Việt Nam được hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chuối và các nông sản khác.
Tuy nhiên, EU là một thị trường có mức thu nhập cao, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng chuối vào thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thận trọng tuân thủ các quy định của châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc.
http://danviet.vn/nha-nong/rau-qua-xuat-khau-dat-hon-2-ty-usd-va-co-hoi-lon-tu-qua-chuoi-1000857.html
Theo: Khánh Nguyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn