Thế nhưng, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng khó tính và đòi hỏi sản phẩm chất lượng hơn. Đây chính là điều làm cho ông Nguyễn Đình Bình (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trăn trở rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Bình. |
Không bằng lòng với những cách làm truyền thống, cách đây 5 năm ông Bình đã khăn gói lên đường vào Đà Nẵng để học hỏi cách làm ruốc kem, tìm hướng đi khác biệt cho sản phẩm truyền thống ruốc quê mình.
Ông nhận thấy, biển của Hà Tĩnh cùng với Đà Nẵng là hai vùng biển hội đủ các yếu tố đảm bảo cung cấp nguyên liệu thường xuyên, đảm bảo chất lượng. Điều này đã thôi thúc ông Bình phải tìm ra cách đổi mới sản phẩm để vươn ra khu vực và quốc tế, đó mới là thị trường bền vững cho sản phẩm địa phương.
Sau khi đi tìm hiểu kỹ về các điều kiện cần thiết cũng như kinh nghiệm… ông đã quyết định đầu tư hệ thống hạ tầng, máy móc để thực hiện tâm nguyện của mình. So với sản phẩm ruốc truyền thống thì công đoạn sản xuất ruốc kem đòi hỏi đầu tư vốn, nhân công và hạ tầng cơ sở hơn nhiều. Ngoài mua sắm máy móc, thuê nhân công, doanh nghiệp này còn phải xây dựng cả hệ thống sân phơi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ruốc kem hay còn gọi là mắm ruốc chà - thoạt nghe ban đầu rất lạ tai, chính ông Bình là người đã đặt tên cho nó như thế. Ông giải thích: “Gọi là ruốc kem vì sản phẩm này làm từ nguyên liệu là con ruốc mua về thì xay tươi, trộn đều đến khi thành phẩm mịn, lúc đấy người thợ mới dùng tay vắt thủ công, “chắt” lấy cốt nước của ruốc mới đem phơi khô. Ruốc đủ độ chín, mịn, đều màu và vị thơm đặc trưng, không hề có cặn bã như các loại ruốc truyền thống”.
Con ruốc tươi dùng để chế biến ruốc kem. |
Ông Bình chia sẻ thêm, quy trình sản xuất ruốc kem hoàn toàn khép kín và rất khắt khe trong việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào cũng như vấn đề vệ sinh. Từ thu mua nguồn nguyên liệu ruốc tươi ngon đến khi mang con ruốc đổ vào xay nhuyễn. Chỉ cần lựa ruốc cẩu thả khác loại hoặc ruốc cùng loại nhưng không thật tươi, nắng lại không to, đậy không kỹ, đồ đựng không sạch, nêm gia vị “lỡ tay” không đúng liều lượng thì ruốc kem thành phẩm sẽ không còn màu hồng nhạt mà có thể xỉn màu, hương vị cũng chẳng được thơm ngon ngọt ngào nữa.
Thành phẩm ruốc kem vào công đoạn sau cùng khi được lót bạt phơi nắng trên sân rộng, khép kín trong cơ sở sản xuất và đóng gói. So với sản phẩm ruốc truyền thống, ruốc kem đạt được độ mịn, độ chín đồng đều hơn và dậy lên vị thơm đặc trưng. Trong điều kiện có nắng thuận lợi, cứ 3 - 4 ngày, một mẻ ruốc mới hoàn thành.
Sản phẩm ruốc kem được đóng hũ thủy tinh an toàn, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thị trường.
Sau 5 năm xây dựng và phát triển, không ngần ngại đổi mới cách thức chế biến sản phẩm, đến nay doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Hương Xuân do ông Nguyễn Đình Bình làm giám đốc đã có ruốc kem đạt được tiêu chuẩn "trọn vị" của sản phẩm truyền thống, trở thành mặt hàng “đắt khách” cho bạn hàng trong nước và quốc tế…
Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp đang chủ yếu xuất sỉ cho thị trường các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, TPHCM và một số đối tác phục vụ xuất khẩu đi các nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản. Bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán khoảng 300 - 500 tấn ruốc kem.
Lọ ruốc kem của doanh nghiệp Hương Xuân. |
Những cố gắng, nỗ lực thay đổi hướng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đến cuối năm 2019, trong đợt đánh giá chất lượng và phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh, sản phẩm ruốc kem Hương Xuân của ông Nguyễn Đình Bình đã được Hội đồng công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Đây là bước ngoặt rất quan trọng đối với sản phẩm ruốc kem của doanh nghiệp Hương Xuân, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp, đặt nền móng cho phát triển thương hiệu. Từ đây, ruốc kem sẽ có cơ hội vươn xa hơn và tìm được vị trí xứng đáng trên thị trường.
Theo Hoàng Thị Thanh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn